Tư vấn luật

Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

27/05/2016 - 10:54

Hỏi: Gia đình tôi có hai bác gái và hai người cô, đều có gia đình riêng. Hiện tại, bà nội đang sống với gia đình tôi. 30 năm trước, bố tôi có đi làm sổ đỏ mảnh đất ông bà để lại (gia đình tôi đang ở trên mảnh đất này) và được sang tên sở hữu từ đó đến nay. Nay, bốn người bác và cô quay lại đòi chia đất.

Xin hỏi luật sư, yêu cầu chia đất này có hợp lý không? Tôi nên giải quyết như thế nào?

Chân thành cảm ơn!

nhunglt@...

Tranh chấp quyền sử dụng đất.
Tranh chấp quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Đối với trường hợp bạn hỏi, ông bà nội bạn đã thực hiện thủ tục sang tên cho bố bạn, đồng nghĩa với việc mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của bố bạn. Theo Điều 166 Luật Đất Đai 2013, khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố bạn, pháp luật sẽ bảo vệ quyền sử dụng cho người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:

Điều 166 Luật Đất Đai 2013 quy định quyền chung của người sử dụng đất:

- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ và cải tạo đất nông nghiệp.

- Hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất.

- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

- Được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ trong việc bồi bổ, cải tạo đất nông nghiệp.

- Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về các hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình cùng những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. 

- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất Đai 2013.

Theo đó, kể từ thời điểm bố bạn được cấp sổ đỏ thì bố bạn là chủ sử dụng đối với mảnh đất đó. Bố bạn có toàn quyền sử dụng đối với đất của mình. Do đó, các cô, bác của bạn không thể đòi bố bạn phải chia đất này nếu bố bạn không đồng ý.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)

(Cafeland)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm