Người sử dụng đất khi nắm trong tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có đầy đủ quyền năng, trong đó có những quyền liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất.
Ông Văn Thuấn (Hà Nội) phản ánh, theo quy định tại Khoản 11, Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT, hồ sơ làm thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất gồm: bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp và Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK.
Theo ông Thuấn, quy định trên đồng nghĩa với việc thửa đất sẽ không được tách thửa nếu hiện tại chưa được cấp Giấy chứng nhận mặc dù vẫn đủ điều kiện được cấp.
Ông thắc mắc cơ sở pháp lý nào để đưa ra quy định trên?
|
Người sử dụng đất chỉ khi đã được cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất thì mới có đầy đủ quyền năng |
Về câu hỏi của ông Thuấn, Bộ TN&MT trả lời như sau:
Việc quản lý, sử dụng đất đai dựa trên nguyên tắc là phải gắn với thửa đất. Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Khoản 15, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 nêu: "Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính".
Khoản 9, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: "Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định".
Như vậy, người sử dụng đất chỉ khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có đầy đủ quyền năng, gồm những quyền như Điều 166 quy định và những quyền liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất như cho thuê, cho thuê lại, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất (xuất hiện các nhu cầu về chia tách thửa đất).
(Chinhphu.vn)