Hỏi: Ông bà nội tôi có 3 người con, gồm bác tôi, bố tôi và cô tôi. Ông bà có một căn nhà. Năm 1996, ông nội tôi mất năm 1996, đến năm 2002 cha tôi cũng qua đời.
Gia đình hiện chỉ còn lại bà nội, cô tôi và bác tôi. Nếu bây giờ phân chia di sản, liệu mẹ và anh em tôi có được thừa kế phần tài sản lẽ ra cha tôi được chia không?
Xin cảm ơn!
Nguyễn Văn Thanh (Tp.HCM).
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di
chúc không hợp pháp. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trả lời:
Khoản 1 Điều 675 Bộ Luật dân sự có quy định rằng, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự thì những người thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất gồm có chồng, vợ, mẹ đẻ, bố đẻ, mẹ nuôi, bố nuôi, con nuôi, con đẻ của người chết.
Trường hợp ông nội của bạn mất và không để lại di chúc thì cha bạn được thừa kế theo pháp luật phần nhà thuộc sở hữu của người ông. Về nguyên tắc là một nửa trị giá nhà trong căn nhà thuộc sở hữu của ông bà nội bạn.
Cha bạn mất mà chưa nhận được phần di sản này thì những người thừa kế hàng thứ nhất của cha bạn (mẹ và các anh em của bạn) được thừa hưởng phần di sản mà lẽ ra cha bạn được hưởng nếu còn sống.
Lưu ý là, theo hướng dẫn tại nghị quyết số 02 ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, nếu trong thời hạn 10 kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hay sau khi kết thúc thời hạn 10 mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế, đồng thời đều thừa nhận di sản người chết để lại chưa chia, khi đó di sản này sẽ chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Trong trường hợp có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết, sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, để giải quyết sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Trân trọng!
Luật sư Hà Hải
(Đoàn luật sư Tp.HCM)
(Tuổi trẻ online)