Hỏi: Ông bà ngoại của tôi có 3 người con, 2 người hiện đang sống ở Việt Nam còn 1 người đang sống tại Mỹ. Ông tôi mất năm 1978, bà mất năm 1997 và có để lại 1 căn nhà.
Theo di chúc viết tay của bà (được làm chứng bởi tổ trưởng và 2 người hàng xóm), căn nhà được để cho 2 người con ở Việt Nam chứ không để cho người con ở Hoa Kỳ. Mẹ tôi ở Việt Nam mất năm 2002, ba tôi mất năm 1996. Đến năm 2015, tôi đã khởi kiện ra tòa. Xin hỏi luật sư, tôi có quyền được thừa kế nhà hay không, do cậu tôi nắm giữ giấy tờ nhà (vẫn đứng tên ông bà ngoại tôi) nhưng không phân chia di sản cho tôi?
Phan Ngọc Dương (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
|
Trong 10 năm từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế thì di sản đó sẽ được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế |
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 656 và Khoản 1a, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, mẹ của bạn là người thừa kế theo pháp luật phần di sản của ông ngoại bạn, đồng thời cũng là người thừa kế theo di chúc phần di sản của bà ngoại bạn. Sau khi mẹ bạn qua đời thì ông và các anh chị em của bạn (nếu có) sẽ được thừa kế theo pháp luật phần di sản của mẹ bạn trong căn nhà mà ông bà ngoại bạn đã mất để lại.
Theo Nghị quyết 02 ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, trong thời hạn 10 năm từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không xảy ra tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia, thì di sản đó sẽ được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi xảy ra tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì sẽ không áp dụng thời hiệu về quyền thừa kế, mà sẽ áp dụng những quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Vì trường hợp của bạn có đồng thừa kế đang định cư ở nước ngoài nên khi có tranh chấp về việc chia nhà là tài sản chung, bạn có thể khởi kiện đến tòa án cấp tỉnh để được xem xét, giải quyết.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
(Sài Gòn đầu tư tài chính)