Tư vấn luật

Chồng không được bán nhà khi vợ mắc bệnh tâm thần

22/08/2016 - 10:58

Ông Cường đã ngoài 70 tuổi rao bán căn nhà tại quận Bình Thạnh (Tp.HCM) nhưng giao dịch bị đình lại ở khâu công chứng, bởi vì tài sản do 2 vợ chồng đồng sở hữu nhưng người vợ bị tâm thần.

Căn nhà ông Cường rao bán với giá 5 tỷ đồng có quy mô một trệt, một lầu, một sân thượng, diện tích đất 90m2, nằm trong hẻm lớn ôtô vào được. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà do vợ chồng cùng đứng tên chung. Ông Cường là người ủy quyền hợp lệ đồng thời cũng là người giám sát cho vợ. Tuy nhiên, khi công chứng viên tiếp nhận giao dịch này đã tuyên bố ông Cường không được phép đơn phương bán nhà.

Theo hướng dẫn của văn phòng công chứng, vì vợ chồng ông Cường có một người con đã trên 18 tuổi, nên tình huống này, nếu muốn bán căn nhà, ông Cường phải được sự đồng ý của người con. Theo quy định của pháp luật, dù căn nhà là tài sản của hai vợ chồng nhưng người chồng muốn bán tài sản phải được sự đồng thuận từ bên giám sát việc giám hộ (tức người con).

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi ở tuổi ngoài 70, ông Cường rất mong muốn bán nhà song người con không đồng ý. Giao dịch vì vậy đình trệ nhiều năm. Ông chia sẻ: "Tôi tuổi đã cao, muốn bán căn nhà để có tiền giải quyết việc gia đình nhưng xem ra không thể thực hiện nổi".

Một vị môi giới theo dõi thương vụ bất thành này cho hay, ông Cường bị kẹt giữa một bên là hòa khí gia đình, một bên là bán tài sản có pháp lý phức tạp, rất khó xử lý vẹn toàn. Điều đáng tiếc là ông Cường đã già, không có được sự thuận lợi về mặt thời gian để theo đuổi giao dịch này.

Theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, tài sản giá trị lớn đứng tên 2 vợ chồng
một người bị bệnh tâm thần, thì người còn lại muốn bán phải được sự
đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Ảnh: Vũ Lê

Trưởng văn phòng Luật sư Gia Linh, Luật sư Nguyễn Sa Linh cho biết, tình huống của ông Cường muốn bán nhà khi vợ bị tâm thần sẽ phải thực hiện nhiều bước tuần tự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại khoản 1 điều 22 Bộ Luật Dân sự năm 2015, khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích có liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, người chồng cần đưa người vợ đến Trung tâm pháp y tâm thần để yêu cầu tiến hành giám định pháp y tâm thần. Quy trình giám định pháp y tâm thần được thực hiện theo Thông tư 18, Bộ Y tế ban hành tháng 7/2015. Nếu kết quả giám định pháp y tâm thần kết luận người vợ mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp tòa án tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự thì căn cứ khoản 2 điều 22, giao dịch dân sự của người vợ sẽ do người đại diện xác lập, thực hiện.

Khoản 3, điều 136, Bộ Luật Dân sự quy định người đại diện theo pháp luật của cá nhân là người giám hộ đối với người được giám hộ. Khoản 1 điều 53 bộ luật này hướng dẫn, trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ. Như vậy người chồng sẽ là người đại diện xác lập thực hiện các giao dịch dân sự của người vợ.

Tuy nhiên, khoản 1 điều 59 Bộ Luật Dân sự quy định việc bán tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Khoản 1 điều 51, người thân tích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Người thân thích của người vợ được giám hộ là: chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ. Người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ nếu giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản.

Như vậy, người thân thích của người được giám hộ sẽ thỏa thuận cử người giám sát. Người giám sát người giám hộ (người chồng) có thể là cha, mẹ, con hoặc cá nhân, pháp nhân khác. Trường hợp có tranh chấp về cử người giám hộ thì thì Tòa án sẽ quyết định.

Luật sư Linh giải thích, thủ tục bán nhà của ông Cường sẽ được thực hiện theo quy trình khá dài. Trước tiên người chồng cần phải giám định pháp y tâm thần đối với người vợ. Sau đó, người chồng yêu cầu Tòa tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự. Người chồng là người giám hộ đương nhiên của người vợ. Người thân thích có thể thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ. Nếu không thỏa thuận được, người chồng yêu cầu tòa án quyết định việc cử người giám sát việc giám hộ. Người giám sát việc giám hộ đồng ý việc bán tài sản là căn nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì mới có thể xác lập giao dịch bán nhà là tài sản chung này.

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm