Tư vấn luật

Cần làm gì khi bị hàng xóm "khủng bố" âm thanh?

29/10/2019 - 02:27

Hỏi: Hàng xóm của gia đình tôi có mở một cửa hàng điện máy nhưng mở âm thanh với công suất quá lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.

Đã nhiều lần gia đình tôi cùng với những nhà xung quanh gửi đơn đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết. Đã hai năm chúng tôi phải sống trong sự "khủng bố" âm thanh, vậy chúng tôi cần phải làm gì để thoát khỏi tình trạng phiền toái này.

Lê Thành Viên

Luật sư tư vấn:

Việc gây nên tiếng ồn và độ rung vượt quá so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

"khủng bố" âm thanh
Cần làm gì khi bị hàng xóm "khủng bố" âm thanh? Nguồn ảnh: internet

Còn vấn đề quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo mục 2.1 Thông tư số 39/2010 ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên &à Môi trường cũng đã nêu rõ giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại các khu vực. Cụ thể: trong khoảng thời gian từ 6-21 giờ, tiếng ồn cho phép tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là: 70 dBA và là 55 dBA trong khoảng thời gian từ 21-6 giờ.

Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 đã quy định về vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó hành vi làm ô nhiễm tiếng ồn có thể bị xử phạt hành chính.

Còn theo quy định tại điểm k khoản 1 điều 52 Nghị định số 155/2016, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1-160 triệu đồng cùng nhiều hình phạt bổ sung như sau:

- Trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 điều 17 sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 3-6 tháng đối với cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn.

- Trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 điều 17 sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6-12 tháng.

Bên cạnh đó, cá nhân, đơn vị vi phạm có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn xuống mức đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời gian được người có thẩm quyền xử phạt ấn định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Phải chi trả khoản kinh phí phục vụ cho việc trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường đối với trường hợp vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức.

Căn cứ vào nội dung quy định nêu trên, bạn và các gia đình xung quanh có thể làm đơn tố cáo cửa hàng điện máy bên cạnh về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, gửi lên UBND cấp huyện nơi bạn sống để được giải quyết. Để có cơ sở thực tế giúp giải quyết nhanh sự việc, bạn có thể gửi thêm các chứng cứ chứng minh về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn như: ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố, của trưởng thôn, của các hộ gia đình xung quanh và cả chủ nhân gây ra tiếng ồn... đi kèm với đơn tố cáo.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền đã nhận đơn nhưng không giải quyết vụ việc, bạn có thể làm đơn khởi kiện Chủ tịch UBND cấp huyện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn ở về việc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại khoản 3, 4 điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015:

"Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

(vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm