Vào tháng 7/2005, ông NLT đã bán cho bà PTHV một căn nhà ở đường Phan Huy Ích (Tân Bình, Tp.HCM) với giá 704 triệu đồng, nhưng chỉ có hợp đồng bằng giấy viết tay.
Ông NLT đã bàn giao nhà cho bà PTHV sau khi bà V trả cho ông T 350 triệu đồng. hợp đồng mua bán giấy tay nói trên nêu rõ, 2 bên thỏa thuận ông T có nghĩa vụ phải thực hiện công chứng hợp đồng mua bán và hoàn tất các thủ tục sang tên thì bà V mới giao hết số tiền mua nhà còn lại.
Bà V đã sửa chữa cấu trúc nhà và tách ra thành 2 căn và bán cho 2 người khác. Tuy nhiên, ông T đứng tên giấy phép xây dựng. Đến tháng 7/2007, UBND quận Tân Bình cấp 2 giấy hồng mới cho ông T. Song ông đã không sang tên cho phía bà V mà đem giấy hồng đi thế chấp vay tiền.
Nhiều rủi ro khi mua nhà bằng giấy tờ viết tay, không công chứng.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Vì thế, bà V khởi kiện yêu cầu TAND quận Tân Bình buộc ông T phải sang tên nhà cho bà. Trong khi đó, ông T lại phản tố đòi bà V phải trả phần tiền mua nhà còn thiếu là 354 triệu đồng cộng với lãi phát sinh hơn 500 triệu đồng. Theo ông T, điều 1 của hợp đồng mua bán giấy tay giữa 2 bên đã nêu, sau 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng bà V phải trả tiếp phần tiền còn lại nhưng đến nay bà không trả nên ông không sang tên.
Vừa qua, TAND quận Tân Bình đã xử sơ thẩm vụ kiện và nhận định, theo điều 2 của hợp đồng mua bán giấy tay giữa 2 bên thì ông T có nghĩa vụ phải thực hiện công chứng hợp đồng mua bán và hoàn tất các thủ tục sang tên, khi đó bà V mới giao hết số tiền còn lại.
Việc ông T đã bán nhà và bàn giao nhà cho bà V mà lại mang giấy hồng đi thế chấp cho người khác để vay tiền là không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu của bà V buộc ông T phải sang tên căn nhà đã bán hơn 10 năm trước cho bà V. Thế nhưng, bà V cũng phải trả cho ông T số tiền 354 triệu đồng và bà không phải chịu lãi vì lỗi hoàn toàn thuộc về phía ông T.
(Pháp luật Tp.HCM)