Thông tin thị trường

Tp.HCM: Bất động sản đứng đầu thu hút vốn FDI

08/12/2016 - 10:08

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn là ngành dẫn đầu về vốn đăng ký FDI tại Tp.HCM trong 11 tháng năm 2016, nhưng lại giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

bất động sản thu hút vốn fdi
Kinh doanh bất động sản tại Tp.HCM thu hút vốn FDI nhiều nhất. 
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, các dự án FDI cấp mới theo ngành nghề, lĩnh vực: Hoạt động kinh doanh BĐS có vốn đầu tư nhiều nhất (39,3%) với 326,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 77,2%. Theo sau là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (26,9%) với 245,9 triệu USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,5% với 87,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước, giảm 86%; Thông tin và Truyền thông chiếm 7% với 58,3 triệu USD, tăng 107,6% so với cùng kỳ.

Tp.HCM có 729 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đạt 831,8 triệu USD. Bên cạnh đó, TP còn có thêm 160 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 516,8 triệu USD. Đồng thời, TP cũng chấp thuận cho 1.662 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cồ phần, mua lại các phần góp vốn trong các doanh nghiệp với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,33 tỷ USD.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, với xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp FDI, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong danh nghiệp trong nước, TP thu hút được 2,68 tỷ USD.

Cùng với đó, Tp.HCM đã tiến hành xây dựng trình tự thủ tục và biểu mẫu để thực hiện ký quỹ, đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Hiện tại, TP đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với 25 nhà đầu tư với tổng số tiền là 386,4 tỷ đồng (tương tương 17 triệu USD)...

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM đánh giá, nguồn vốn đầu tư FDI vào TP sụt giảm trong 11 tháng do xu hướng giảm chung của cả nước. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một số dự án lớn còn đang chờ các bộ ngành phê duyệt hồ sơ.

Do đó, tiến độ giải ngân, thực hiện của các dự án FDI chậm hơn dự kiến. Tp.HCM bắt đầu sàng lọc các dự án FDI, chỉ tập trung vào chất lượng của dự án, không mở rộng về số lượng như thời gian qua.

(Kinh tế & Đô thị Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm