Hiện nay, các chủ đầu tư "dư tiền" đang gặp khó khăn trong việc mua lại các dự án bất động sản (BĐS), nguyên nhân là song song với sự nóng lên của thị trường bán lẻ, hiện thị trường chuyển nhượng dự án cũng có sự gia tăng về giá cũng như đòi hỏi của bên bán.
Trước đây, khi thị trường địa ốc đang trong tình trạng "đóng băng", bên mua sẽ chiếm thế thượng phong, khác xa với tình cảnh hiện tại.
Một dự án đình đám ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) tại thời điểm này năm ngoái được rao bán giá với giá 300 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn không tìm được người mua. Về sau, với sự nóng lên của thị trường BĐS, dự án này được sang tay với giá 400 tỷ đồng và đáng chú ý là, một dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng người ta đã sẵn sàng mua đi bán lại với giá 33-34 triệu đồng/m2. Theo Phó Tổng giám đốc một tổng công ty lớn - bên sở hữu dự án trên, giá bán cho nhà đầu tư cùng với chi phí để lo được thủ tục khởi công sớm dự án thì chủ đầu tư sẽ không có lãi. Vậy nhưng, lỗ hay lãi của dự án này lại phụ thuộc lớn vào thị trường và với mức giá trên, chủ đầu tư có thể vẫn có lãi song sẽ không nhiều.
Hiện tại, thị trường địa ốc đang có rất nhiều dự án mở bán, tính cạnh tranh cao, vì thế chủ đầu tư, các sàn BĐS và cả nhà đầu tư thứ cấp sử dụng hết mọi chiêu trò để thuyết phục người có nhu cầu mua thực xuống tiền. Thậm chí, họ có thể thuê người đến lễ mở bán cho thêm phần đông đúc và có thể ký gửi hàng cho các sàn giao dịch rồi quảng bá là vừa mở bán nhưng lượng đăng ký mua đã vượt quá số căn thực. Bên cạnh đó, những tin rao vặt, quảng cáo bán nhà xuất hiện tràn lan trên mạng Internet, diễn đàn mua bán, thị trường vì thế mà hư hư thực thực, người mua "không biết đâu mà lần".
Thời gian gần đây vốn ngoại đang đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Sự khởi sắc tích cực của thị trường nhà đất ngoài dự đoán của nhiều người đã khiến hoạt động M&A BĐS nóng hơn, song lại rất khó mua bán khi mức giá giao dịch đang tăng lên nhanh chóng. Tại Tp.HCM, một dự án ở quận 3 có diện tích hơn 7.000m2 được chủ đất ra giá 100 triệu đồng/m2 vào năm ngoái và có thể thương lượng. Lúc bấy giờ, ông chủ của một trong những tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam hiện nay đã từ chối thẳng thừng vì cho rằng giá như vậy là cao. Cho đến đầu năm 2015, chủ đất khoe có đối tác trả tới 50 triệu USD. Lúc này, tập đoàn trên nối lại kế hoạch thương thảo mua dự án nhưng đã muộn vì chủ đất cho biết đã kiếm được ngân hàng rót vốn để tự triển khai dự án vào năm 2016.
Ngoài sự nhiệt tình của các ngân hàng thì việc vốn ngoại đổ mạnh vào lĩnh vực BĐS cũng khiến cho thị trường M&A sôi động hơn, thế nhưng lại thương thảo không mấy dễ dàng. Thời gian gần đây, tại các hội thảo về BĐS, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ các nền kinh tế Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đổ mạnh vào thị trường địa ốc Việt Nam trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại, trong 8 tháng qua, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm tỷ trọng lớn. Thị trường BĐS Việt Nam hiện còn nhận được sự quan tâm cao từ các nhà đầu tư khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ, trong vài ba năm tới, dự báo số vốn đầu tư sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam ông Winfield K Wong cho rằng: “Vốn ngoại đầu tư vào BĐS được kỳ vọng sẽ tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường. Hơn nữa, chiến lược đầu tư này chủ yếu thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập”.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Bộ phận bán lẻ toàn cầu Cushman & Wakefield ông Mathew B. Winn cho hay, các tập đoàn nước ngoài hiện đang đầu tư vào Việt Nam thường chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước để nhanh chóng tiến vào thị trường hơn là bắt đầu từ con số không.
Mặc dù các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận cuộc chơi và tuân theo quy luật thị trường, tuy nhiên đối với những nhà đầu tư làm thực thì họ không chấp nhận mua dự án bằng mọi giá.
(Đầu tư Chứng khoán)