Thông tin thị trường

Thị trường nóng lên giúp doanh nghiệp BĐS lãi hàng trăm tỷ

13/11/2015 - 08:00

Trong 9 tháng năm 2015, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có sự bứt phá lớn về doanh thu và lợi nhuận do nhu cầu mua nhà của người dân đang tăng cao.

Theo báo cáo tài chính quý III/2015 của hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, các doanh nghiệp địa ốc đều có lợi nhuận khả quan, thậm chí có không ít trường hợp tăng đột biến.

Điển hình là Địa ốc Đất Xanh (mã CK là DXG) với doanh thu tăng gấp 9 lần đạt 525 tỷ đồng trong quý III vừa qua, lãi sau thuế lên tới 128 tỷ, con số này gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng của doanh nghiệp này đạt trên 909 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lên 330 tỷ, so với cùng kỳ gấp 4,2 lần và vượt 36% kế hoạch lợi nhuận năm.

Không hề kém cạnh, doanh thu của Địa ốc Hoàng Quân (HQC) thực sự bứt phá khi đạt tới 312 tỷ đồng doanh thu trong quý III năm nay, gấp 114 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 50,7 tỷ, nếu so với cùng kỳ năm 2014 đã gấp 9,2 lần.

Lũy kế 9 tháng, HQC thu về 101 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp hơn 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đạt 912 tỷ, con số này tăng 78 lần so với mức 11,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Giới đầu tư khá bất ngờ khi Tập đoàn FLC (FLC) cho biết trong quý III ước đạt doanh thu là 1.280 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 2,5 lần. Doanh nghiệp này đạt 3.288 tỷ doanh thu và 801 tỷ lợi nhuận trước thuế xét về lũy kế 9 tháng năm 2015.

Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết cho rằng doanh thu căn hộ, biệt thự liền kề rất lớn, đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Dự kiến doanh thu 2015 của công ty sẽ tăng gấp đôi so với 2014, đạt 4.510 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng quý III của Công ty Đầu tư LDG (Mã CK: LDG) đạt 126,56 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Theo lãnh đạo công ty, nhờ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khiến lãi gộp đạt 72 tỷ đồng, tăng 784% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp thu về 362 tỷ doanh thu, gấp 5,4 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng.

lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS
Biểu đồ lợi nhuận của một số doanh nghiệp BĐS trên thị trường.

Tương tự, Nhà Khang Điền (KDH) cũng có doanh thu và lợi nhuận tăng cao với những con số lần lượt là 737 tỷ và 70 tỷ đồng. Cùng đó, công ty cũng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần tại Đầu tư xây dựng Bình Chánh, hoặc Đầu tư Song Nhiêu...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp BĐS khác cũng có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng năm 2015. Chẳng hạn, Nhà Từ Liêm (NTL) đạt lợi nhuận gần 46 tỷ đồng, đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; Tập đoàn C.E.O (CEO) lãi đạt 95 tỷ, so với cùng kỳ gấp 2,7 lần; Công ty Xây dựng Bình Chánh (BCI) lãi đạt 193 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 246%.

Có thể khẳng định, năm 2015 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS với số lượng căn hộ được giao dịch liên tục tăng, được xem là một tín hiệu tốt cho thấy niềm tin vào thị trường đang dần hồi phục cả nhà đầu tư lẫn khách hàng. Những nhà phát triển BĐS đã tranh thủ thời điểm lý tưởng này để đẩy nhanh tiến độ dự án và chào bán sản phẩm ra thị trường.

Phần lớn các công ty này đều cho biết doanh thu bán hàng tăng đột biến và chuyển nhượng dự án BĐS đã giúp doanh thu và lợi nhuận tăng cao. Nghiên cứu của CBRE cho biết, thị trường địa ốc tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý III vừa qua. Tổng cộng có khoảng 10.114 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 26 dự án tại Tp.HCM, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Giá chào bán tăng từ 2,5- 5,5%. Khoảng 9.160 căn hộ được chào bán từ 26 dự án ở Hà Nội, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 20/10/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 56.286 tỷ đồng. Con số này đã giảm trên 72.000 tỷ đồng (56%) nếu so với đầu năm 2013.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, thị trường BĐS Việt Nam đang trong trạng thái tăng trưởng mạnh mẽ sau thời gian ảm đạm hơn 4 năm qua. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng trên diện rộng với lượng hàng tồn kho giảm và khối lượng giao dịch tăng vọt trong tất cả cả các phân khúc. Theo doanh nghiệp này: "Nhiều đợt mở bán có tỷ lệ hấp thu kỷ lục và đây là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư chọn các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có dự án tốt, có doanh số bán hàng ổn định".

Phó tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM ông Yoshinori Yakabe đánh giá về thị trường địa ốc Việt Nam, Việt Nam là nước có dân số trẻ và tập trung đông ở các đô thị lớn, do đó nhu cầu nhà ở còn rất lớn. Giới đầu tư ngoại rất quan tâm đến việc đầu tư tại đây song vẫn khá thận trọng trong việc lựa chọn đối tác chiến lược cũng như thời điểm tham gia thị trường.

Lĩnh vực BĐS thu hút được 2,13 tỷ USD trong 10 tháng năm 2015, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết.

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm