Sáng 24/11/2015, tạp chí Forbes đã tổ chức Hội thảo tại Tp.HCM với chủ đề “Bất động sản - Theo dấu dòng tiền”. Tham gia hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của các quỹ đầu tư nước ngoài đều cùng chung một nhận định, thị trường BĐS Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Thị trường BĐS Việt Nam có độ 'nghiêng' rõ rệt
Chủ tịch Công ty Truyền thông Tương Tác ông Nguyễn Bảo Hoàng cho rằng, thị trường BĐS hiện đang tạo nhiều tín hiệu tốt cho cả bên cung và cầu. Thị trường Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực địa ốc, khi hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư đang tạo ra một sự khác biệt rất lớn cho giai đoạn phát triển mới.
Trong năm 2015, BĐS là một trong những lĩnh vực phát triển sôi động nhất của nền kinh tế, đã thu hút được nhiều nguồn lực tài chính ngoại. Số liệu thống kê của CBRE cho biết, số lượng tiêu thụ căn hộ tại thị trường Tp.HCM đạt xấp xỉ 24.000 đơn vị trong 9 tháng năm 2015, vượt xa mức kỷ lục trước đó vào năm 2014 (17.000 đơn vị). Trong khi đó, tại Hà Nội, số lượng căn hộ tiêu thụ đạt khoảng 15.000 đơn vị, con số này chạm mức kỷ lục hình thành năm 2009.
Tổng giám đốc CBRE Việt Nam ông Marc Townsend chia sẻ: “Hiện nay, dự án nhà ở không chỉ tập trung vào các vị trí đắc địa gần trung tâm, không ăn theo các tuyến metro nữa mà bắt đầu có sự phân bổ lực lượng sang các quận khác cách xa hơn”.
Chuyên gia này dự báo, bên cạnh phân khúc cao cấp đang làm 'nghiêng' nguồn cung - cầu thị trường, một khi các chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được rõ ràng thì trong một vài năm tới, nhu cầu nhà ở các phân khúc thấp hơn sẽ tăng rất mạnh. Cụ thể, dự báo sẽ có khoảng 45 nghìn đơn vị nhà ở phân khúc hợp túi tiền sẽ được tung ra thị trường trong những năm 2016 - 2018. Đồng thời, việc Việt Nam tham gia các hiệp định kinh tế song phương và đa phương như FTA, AEC, TPP,… sẽ tạo cú hích mạnh cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang diễn biến hết
sức phức tạp.
Trong khi đó, Giám đốc Nghiên cứu phân tích của Quỹ Dragon Capital ông Lê Anh Tuấn nhận định, Việt Nam là một trong 3 nước ở Châu Á (chỉ sau Ấn Độ và Philippines) đang được các tập đoàn BĐS lớn trên thế giới để ý đến. Theo các phân tích, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu người đạt mức thu nhập trung bình và gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu, do đó nhu cầu mua sắm và tậu nhà cửa sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, hiện nay tốc độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam bằng 8 năm trước cộng lại, góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS phát triển.
Nguồn cung lớn, doanh thu BĐS sụt giảm
Không ít các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tỏ rõ quan ngại khi thị trường xuất hiện các dấu hiệu bất ổn, khi nguồn cung sản phẩm tính từ cuối năm 2015 đến 2016 ước khoảng 57.500 đơn vị. Tuy nhiên, trong lượng nhà ở khổng lồ này thì nhà ở cao cấp chiếm phần lớn, trong khi nhu cầu nhà ở hợp túi tiền của đại đa số người dân đang rất cao.
Theo ông Lê Anh Tuấn, lượng hàng chào bán ra thị trường trong giai đoạn 2006 - 2007 khá thấp so với nhu cầu của khách hàng, vì thế thị trường có độ khan hiếm và tạo ra 'cơn sốt' nhà ở. Thế nhưng, lượng nhà ở chào bán mới ra thị trường giai đoạn 2008 - 2013 lại cao hơn nhu cầu thật.
Chuyên gia này bày tỏ lo ngại: "Căn hộ thuộc phân khúc cao cấp tăng mạnh trong khi thị trường phục hồi chưa được bao lâu, do đó chúng tôi lo sợ sẽ có độ lệch pha giữa nhu cầu thật và nguồn cung, từ đó sẽ dẫn tới chu kỳ BĐS diễn ra ngắn hơn. Có thể thấy, số lượng chào bán thành công trong 2-3 quý gần đây bắt đầu sụt giảm song trong 3 năm tới nguồn cung trên thị trường vô cùng dồi dào".
Nhưng, khi được hỏi liệu các dấu hiệu này sẽ gây ra hiện tượng 'bong bóng' BĐS hay không, Giám đốc Nghiên cứu phân tích của Quỹ Dragon Capital khẳng định, chắc chắn thị trường sẽ không có bong bóng vì giá nhà ở tại Việt Nam hiện nay vẫn diễn biến hợp lý. Bong bóng địa ốc chỉ thực sự chỉ xảy ra một khi giá nhà ở tăng đến mức 100%. Thứ nữa, hiện chưa xuất hiện những thay đổi về mặt chính sách mang tính 'siết' chặt nền kinh tế vĩ mô hay thị trường BĐS.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của quá trình phục hồi và bước sang giai đoạn đầu của chu kỳ bùng nổ. Lãi suất có thể tăng trong thời gian tới nhưng giá bán nhà ở khó tăng nữa và thị trường thứ cấp sẽ mạnh lên… Song, doanh thu của các doanh nghiệp địa ốc không tăng, thậm chí sẽ có sự sụt giảm nhẹ do độ cạnh tranh thị trường quá cao”.
(Trí thức trẻ)