Công ty CP Địa ốc Phú Long (Phú Long) vừa kiến nghị về một số vướng mắc khi đầu tư dự án bất động sản mà công ty này đang gặp phải.
Cụ thể, ngày 1/12/2004, công ty đã trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Công ty đã được UBND thành phố cấp sổ đỏ sau khi thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá.
Trên khu đất này, công ty đã xây dựng khu đô thị mới Dragon City văn minh, hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè.
Nhưng đến nay, tại phân khu số 15B, một số hộ dân không chịu di dời mà còn tự mở rộng, xây nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, không cho công ty xây dựng dự án. Thậm chí, ngày 30 và 31/10/2018, một số người còn xông vào công trường, tháo dỡ hàng rào của công ty, đập phá tài sản.
Đại diện Phú Long cũng cho biết, công ty còn gặp khó khăn khi GPMB vì những thủ tục, chính sách liên quan đến việc giao đất.
|
Doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất khi GPMB |
Ngoài ra, một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải là vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án.
Theo phản ánh của Công ty CP BĐS Sơn Kim, công ty đầu tư Dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại văn phòng căn hộ Gate Way tại phường Thảo Điền, quận 2. Diện tích xây dựng tầng hầm của dự án là 9.089,2m2, diện tích xây dựng khối đế là 5.742,8m2. Các sở, ngành, đơn vị tư vấn khi tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm.
Nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất dự án lại chỉ ghi tính trên 5.742,8m2 diện tích khối đế, còn 3.346,4m2 tầng hầm lại không được tính. Vì vậy mà dự án đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Vướng mắc này cũng là vấn đề chung của tất cả các dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoRea), thực tế, khi GPMB, doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất nên không thực hiện được dự án, dẫn đến bị chôn vốn, không có quỹ đất để được công nhận là chủ đầu tư dự án. Đây cũng là lý do khiến lượng các dự án BĐS sụt giảm, đặc biệt là các dự án nhà ở bình dân, trung cấp.
Tại hội nghị Chủ tịch UBND thành phố gặp gỡ doanh nghiệp BĐS, Sở TN&MT thông báo sẽ thực hiện theo quy định với các dự án đã chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án trước ngày 1/7/2014 mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết được toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án thì UBND cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.
Nhưng theo Hiệp hội, cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất đảm bảo bồi thường thỏa đáng theo giá thị trường cho người sử dụng đất và thực hiện quyền được tái định cư của người sử dụng đất trong khu vực dự án.
Về vấn đề tiền sử dụng đất, Chủ tịch HoRea, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cách tính tiền sử dụng đất hiện nay vẫn là gánh nặng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt hại và ngân sách nhà nước bị thất thu. Đó cũng là nguyên nhân khiến dự án bị ách tắc do chưa đủ điều kiện để tiếp tục triển khai.
Ông Châu nhấn mạnh: "Đề nghị thay đổi cách tính khấu trừ chi phí bồi thường GPMB để tính tiền sử dụng đất dự án, đảm bảo công bằng cho chủ đầu tư dự án. Bởi vì hiện nay, mức khấu trừ chi phí bồi thường GPMB quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% chi phí bồi thường thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Do vậy, doanh nghiệp gần như đã phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai khi nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Phần chi phí không được khấu trừ này không được tính vào chi phí nên doanh nghiệp BĐS lại phải chịu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà".
(Thời báo ngân hàng)