Ngành thép toàn cầu đang cảm nhận được ảnh hưởng từ sự tụt dốc của kinh tế Trung Quốc. Quốc gia này sản xuất một nửa số thép trên thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cộng lại.
Mới đây, Tata Steel (Ấn Độ) đã tuyên bố phải bán mảng kinh doanh ở Anh do giá thép lao dốc. Điều kiện thị trường tại Anh và châu Âu đã 'xuống cấp đáng kể' vài tháng gần đây do nguồn cung thép dư thừa, phí sản xuất cao và 'xuất khẩu từ nước thứ 3 tăng đáng kể', Tata Steel cho hay. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thép giá rẻ từ Trung Quốc đang tàn phá các đối thủ nước ngoài như thế nào.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế khổng lồ này dần chậm lại thì nhu cầu cũng giảm sút. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép tại đây sẽ giảm khoảng 5,5% năm nay. Tức là, Trung Quốc sẽ dư thừa hàng chục triệu tấn thép. Dĩ nhiên, họ sẽ tích cực xuất khẩu, 'nhấn chìm' các thị trường khác bằng mức giá không thể rẻ hơn.
Hiện Trung Quốc sản xuất một nửa số thép trên thế giới. (Nguồn ảnh: Reuters).
Bắc Kinh đang bị cáo buộc bán phá giá tại nhiều thị trường buộc các đối thủ đóng cửa nhà máy và khiến hàng nghìn người mất việc. Khoảng 40.000 việc làm ngành thép tại khu vực này đã bị cắt giảm vài năm qua, giới chức châu Âu cho biết.
Hồi tháng 10/2015, một hãng thép ở Đông Bắc nước Anh cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc dừng các lò luyện thép, việc này đã khiến 1.700 nhân viên thất nghiệp. Một hãng thép khác nước này là Caparo Industries cũng nộp đơn xin phá sản trong cùng tháng, khiến 1.700 nhân công khác đối mặt với rủi ro mất việc.
Đại gia thép ArcelorMittal phải đóng cửa 2 nhà máy ở Nam Phi với hàng trăm nhân công trong năm vừa qua. Họ còn đang cân nhắc ngừng hoạt động nhiều cơ sở nữa. Nhà máy ở Georgetown (South Carolina, Mỹ) đóng cửa với lý do 'nguồn cung thép nhập khẩu tăng vọt'.
Tháng 1/2016, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên đến 13% cho thép Trung Quốc. Vậy nhưng, nhiều hãng sản xuất cho rằng thuế này quá muộn và cũng chẳng ăn thua so với các biện pháp Mỹ đang áp dụng.
Được biết, trước đó Tata đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) tăng tốc giải quyết hàng nhập khẩu cạnh tranh không công bằng và tăng uy lực các biện pháp đối phó. Hãng này đã sa thải 1.050 nhân công tại Anh vào tháng 1 năm nay.
(Cafeland)