Nhà môi giới này ít khi xuất hiện công khai nhưng ông chuyên đi mua gom dự án cho các đại gia bất động sản (BĐS) mới nổi.
Các doanh nghiệp một thời chỉ là “chàng tí hon” như Hải Phát, FLC, Sunshine… sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành những “người khổng lồ” trong lĩnh vực BĐS thông qua con đường thâu tóm dự án.
Lớn nhanh như Thánh Gióng
Đứng đầu FLC Group là người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay - Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Thế nhưng, xuất phát điểm của tập đoàn này chỉ là dự án căn hộ FLC Landmark trên đường Lê Đức Thọ - Hà Nội.
Trong khi nhiều doanh nghiệp vật lộn để tồn tại khi thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng thì FLC nhanh chóng tận dụng cơ hội tăng vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó phô trương sức mạnh, lần lượt thâu tóm 4 dự án tại Hà Nội và đổi tên thành FLC Garden City, FLC Complex, FLC Star Tower và FLC Twin Tower.
Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa cũng là một tân binh trên thị trường địa ốc. Đơn vị này "bỗng dưng" chen chân được vào Hà Nội bằng cách mua lại dự án khách sạn Mercure trên đường Cát Linh và tổ hợp văn phòng - căn hộ Sky Park Residence ở đường Tôn Thất Thuyết.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất và tham vọng nhất có lẽ là Sunshine Group. Hầu như không ai biết Sunshine là ai cách đây hơn 1 năm về trước. Vậy nhưng, gần đây tập đoàn này nổi đình đám khi trình làng một loạt dự án như Sunshine Centre, Sunshine Riverside, Sunshine Palace, Sunshine Garden… cung ứng khoảng 3.000 căn hộ. Trong năm 2017, Sunshine Group dự kiến sẽ tung tiếp ra thị trường các dự án quy mô lớn như Sunshine City với 5.000 căn hộ.
Trong khi đó, Hải Phát Group cũng đang triển khai hàng chục dự án tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. Đáng chú ý, trong đó có dự án mua lại từ Sông Đà Thăng Long là tòa cao ốc 50 tầng HPC Landmark Tower tại quận Hà Đông.
Điều đáng nói là, những người đứng đầu doanh nghiệp này ban đầu gần như là những “tay mơ” trên thị trường nhà đất. Chẳng hạn như ông Trịnh Văn Quyết vốn là một luật sư, Chủ tịch Sunshine Group - ông Đỗ Anh Tuấn từng là công chức nhà nước và kinh doanh phần mềm.
Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa vốn xuất thân là công ty xây dựng ở miền Trung do ông Trương Lâm làm Chủ tịch và chưa từng xây dựng dự án nhà ở hay khách sạn quy mô nào.
Tổ hợp Sky Park Residence đang thi công.
Tuy không có mối liên kết nào trên thương trường nhưng các đại gia BĐS này có một điểm chung là đều được một “siêu cò” chuyên đi lùng sục và mua gom dự án.
"Siêu cò” lộ diện
Qua tìm hiểu được biết, “siêu cò” không phải ai khác mà chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sohovietnam, ông Phan Xuân Cần. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Hà Nội, chuyên về môi giới mua bán, chuyển nhượng dự án và tài sản.
Lãnh đạo Sohovietnam chính là người đứng sau thương vụ FLC Group mua lại dự án toà nhà Ion Complex tại 36 Phạm Hùng (Hà Nội) từ Hải Phát Group. Ông tiếp tục thu xếp cho Hải Phát Group mua một dự án tháp đôi căn hộ với diện tích đất 7.500m2 trên đường Nguyễn Xiển.
Ông Cần cũng góp sức cho sự nổi lên của Sunshine Group trong thời gian gần đây. Ông dàn xếp thương vụ Sunshine Group mua lại dự án gần 1.000 căn hộ Sunshine Riverside ở khu đô thị Ciputra.
Được biết, cả hai dự án Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa thâu tóm ở Hà Nội đều do “siêu cò” này thu xếp mua lại từ Tập đoàn Hà Đô và Licogi 16.
Tổng số thương vụ thâu tóm mà ông Cần “đạo diễn” trong mấy năm qua đã lên đến con số gần 30. Những thương vụ đầu tay có thể kể đến như Alphanam Group mua lại khu đất trên đường Vũ Trọng Phụng và phát triển thành khu căn hộ Sakura; Bitexco Nam Long mua tòa nhà văn phòng Vitek Tower tại Tp.HCM.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sohovietnam.
Ngoài việc đi gom dự án cho các đại gia mới nổi, ông Cần còn hỗ trợ một số doanh nghiệp bị sa lầy trong lĩnh vực BĐS thoát khỏi khó khăn.
Đơn cử như, ông Cần tư vấn và môi giới giúp Công ty Cổ phần xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình bán lại tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại Royal Tower ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhờ đó, Hòa Bình có nguồn lực tập trung vào lĩnh vực thầu xây dựng.
Vừa qua, ông đã môi giới thành công thương vụ mua lại một khu đất có vị trí rất đẹp ở “thiên đường du lịch” Phú Quốc với giá trị vài trăm tỷ đồng. Theo dự kiến, ông chủ mới sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng siêu sang, không hề kém cạnh khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.
Bên cạnh các thương vụ có giá trị hàng trăm tỷ đồng, ông Cần còn môi giới mua bán tài sản như khách sạn 2-4 sao, các tòa nhà văn phòng, khu thương mại và cả biệt thự triệu đô.
Có thể nói, trong tay ông Cần luôn có những đại gia rủng rỉnh tiền bạc cần tìm kiếm các dự án có vị trí đẹp, pháp lý hoàn chỉnh… để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Đồng thời, cũng có nhiều chủ đầu tư khó khăn nhờ ông Cần bán dự án.
Thế nhưng, "siêu cò” này rất kín tiếng, hầu như không tiết lộ danh tính người mua và người bán. Minh chứng là, có những thương vụ thâu tóm rất “khủng” nhưng chỉ khi dự án xuất hiện trên thị trường thì mới biết là thuộc chủ mới.
(Diễn đàn Doanh nghiệp)