Năm 2015 có thể coi là năm hết sức đáng chú ý của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam với hàng loạt bước phát triển mang tính đột phá. Chúng tôi bình chọn những sự kiện nổi bật, các dự án bán chạy nhất và những dự án “đắp chiếu” của thị trường địa ốc.
Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực
Hai bộ luật này được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 25/11/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ, tháo gỡ những nút thắt của thị trường địa ốc. Trong đó, một số quy định đáng chú ý như chủ đầu tư các dự án chỉ được phép ký hợp đồng cho thuê, bán, cho thuê mua dự án BĐS hình thành trong tương lai khi đã có sự bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ đầu tư, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hai bên đã ký kết. Theo đó, quy định mới này sẽ bảo vệ quyền lợi cũng như tạo được tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà trước tình trạng bán nhà trên giấy như hiện nay.
Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã nới lỏng các điều kiện cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng gồm cá nhân, tổ chức ngoại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, quỹ đầu tư nước ngoài và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Còn Luật Nhà ở quy định các cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; trường hợp là nhà ở riêng lẻ (liền kề, biệt thự) trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn. Giới chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ tác động lớn tới thị trường địa ốc Việt Nam.
Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã nới lỏng các điều kiện cho phép người nước
ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Bất động sản đứng thứ 3 về thu hút đầu tư nước ngoài
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào kinh doanh BĐS đạt 2,32 tỷ USD, giữ vị trí thứ 3 về lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, tính đến ngày 20/11/2015 cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 1,1%. Có 692 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,66 tỷ USD, con số này tăng 70,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tính chung trong 11 tháng là 20,22 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2014 đã tăng 16,7%. Đáng chú ý là, có sự đột biến về đầu tư do cấp phép một số dự án có quy mô lớn như dự án Samsung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỷ USD tại KCN Yên Phong 1(Bắc Ninh); hoặc dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD (Trà Vinh),…
Nới điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà
Trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường. Công viên chức, cán bộ, công nhân, lực lượng vũ trang, người lao động thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở khi mua nhà thương mại (gồm cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng sẽ được vay gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Thời gian cho vay cá nhân, hộ gia đình sẽ được tăng từ 10 năm như quy định cũ lên 15 năm theo quy định mới này.
Thanh toán BĐS hình thành trong tương lai
Điều 57 Luật Kinh doanh BĐS quy định, việc thanh toán trong thuê mua, mua bán BĐS hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, trong đó lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, các lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng BĐS, song tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao công trình xây dựng, nhà cho khách hàng. Nếu bên cho thuê mua, bên bán là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng. Còn nếu bên cho thuê mua, bên bán chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì bên cho thuê mua, bên bán không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; đối với giá trị còn lại của hợp đồng sẽ được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận và tài sản khác gắn liền với đất cho bên thuê mua, bên mua.
Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào BĐS
Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và sử dụng, quản lý tài sản, vốn tại doanh nghiệp quy định từ 01/12/2015 doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào BĐS, chứng khoán, ngân hàng, ngoại trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực nêu trên. Doanh nghiệp nhà nước có quyền dùng vốn của mình để đầu tư kinh doanh ra bên ngoài, bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Chính phủ. Nếu đã góp vốn và đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép thì phải tiến hành cơ cấu lại, đồng thời chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.
(Sài Gòn Đầu tư Tài chính)