Trên thị trường địa ốc Hà Nội, dù hiện tại đã giảm nhiều nhưng khu vực phố cổ vẫn giữ mức giá khá cao so với các quận nội đô lân cận. Hơn nữa, lượng hàng rao bán cũng khiêm tốn.
Hầu hết các khu nhà ở đây được xây dựng từ khá lâu, đã cũ kỹ và cơi nới sửa chữa nhiều lần, ngõ ngách chất hẹp, thiếu ánh sáng. Mới đây, vụ sập biệt thự cổ tại 107 Trần Hưng Đạo vào ngày 22/9 là một tiếng chuông cảnh báo về chất lượng xây dựng và điều kiện sống tại các khu vực phố cổ.
Hầu hết nhà ở khu vực phố cổ Hà Nội đều đã cũ kỹ và qua nhiều lần sửa chữa.
Vậy tại sao những ngôi nhà ở đây vẫn giữ mức giá cao và nguyên nhân nào lý giải việc những người dân phố cổ hết sức gắn bó với nơi ở của mình? Ngoài những lý do về chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, điều kiện sống, vui chơi giải trí... thì người dân khu vực trung tâm còn được hưởng một hệ thống hạ tầng cực kỳ tiện ích so với những khu vực mới. Vì thế, rất nhiều người gắn bó với nơi ở này và đẩy giá bất động sản tăng cao.
Luôn có hệ thống thoát nước hoạt động tốt
Những tuần gần đây, Hà Nội ngập lụt nhiều nơi gây mất vệ sinh và trì trệ giao thông tại hầu hết các nơi ngoại trừ khu vực trung tâm phố cổ. Tuy lượng mưa rất lớn nhưng do có cao độ và hệ thống cống đảm bảo nên việc thoát nước ở khu vực này rất thông suốt. Có thể nói, đó là một ưu điểm của khu phố cổ và cũng là một vấn đề đáng lưu tâm dành cho các nhà quy hoạch của các khu vực mới.
Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội luôn hoạt động tốt.
Đảm bảo hệ thống điện, nước
Trong mùa hè, có rất nhiều khu vực, nhất là các khu đô thị mới bị mất nước do sự cố đường ống cấp nước Sông Đà thì nước các khu nhà trong khu vực trung tâm luôn được cung cấp đầy đủ. Không giống các khu chung cư mới, người dân không phải chịu cảnh xếp hàng hứng nước. Bên cạnh đó, tần suất cắt điện cũng tương đối ít và thường diễn ra khá nhanh. Phải khẳng định rằng, đây là một tiêu chí rất quan trọng với đại đa số khách hàng mua nhà đất.
Người dân khu phố cổ Hà Nội không phải chịu cảnh xếp hàng lấy nước như
ở các khu chung cư.
Ít ùn tắc giao thông
Tại khu phố cổ Hà Nội, tuy đường nhỏ song chia ô bàn cờ nên hầu như ít xảy ra cảnh tắc đường. Thế nhưng, tại các khu vực lân cận thì tắc đường là việc rất thường xuyên vào giờ cao điểm. Đây là một điểm cộng rất lớn đối với giá trị bất động sản khu vực phố cổ.
Khu vực phố cổ hiếm khi xảy ra cảnh tắc đường như trên các tuyến phố mới.
Khu phố cổ có chiều cao xây dựng thấp
Khu phố cũ Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm có diện tích gần 508 ha (không bao gồm các khu Hồ Gươm, khu phố cổ và phụ cận cùng khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám) với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố.
Theo quy định chung trong khu vực phố cũ được Hà Nội đưa ra đối với các công trình xây dựng đặc trưng có chiều cao từ 4-6 tầng (khoảng từ 16-22m) và mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%. Mặt khác, mật độ dân số trong khu vực phố cũ được Hà Nội hướng đến khoảng 230 người/ha.
Với chiều cao xây dựng thấp nên dù phố phường chật hẹp nhưng mật độ dân số luôn thấp hơn các khu vực mới với vô số chung cư cao tầng. Nhờ vậy, người dân phố cổ vẫn luôn được hưởng một không gian chung thoáng đãng và rộng rãi hơn rất nhiều.
Khu phố cũ nhìn từ trên cao.
Không gian sống sinh động
Tại đây, tuy không có được những khu công viên mới xây rộng lớn song xen giữa những dãy phố vẫn luôn có những công viên nhỏ xinh, đài phun nước mát mẻ, vườn hoa thoáng đãng tạo nên điểm nhấn cho khu phố cổ. Cư dân phố cổ ở trong những căn nhà chật hẹp nhưng một khi bước ra phố họ luôn có được một không gian sống sinh động.
Vườn hoa Hàng Đậu.
Tóm lại, với tất cả những ưu điểm về hạ tầng xây dựng và hạ tầng xã hội luôn giúp giá trị của bất động sản phố cổ và phố cũ Hà Nội đứng vững trên thị trường nhà đất đầy biến động như hiện nay.
(CafeLand)