Sốt đất nền có thể tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ lớn kiếm bộn tiền trong chốc lát, song cũng khiến không ít nhà đầu tư nhỏ, lẻ phải ôm hận vì buôn đất ngay khi cơn sốt đã lên đỉnh.
Trái ngược với sự trầm lắng của toàn thị trường bất động sản đầu năm 2020, đất nền xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trở nên sôi động bất thường, giá đất tăng chóng mặt, gấp 3-4 lần chỉ chưa đầy 1 tuần. Tuy nhiên, cơn sốt cũng nhanh chóng đi qua, để lại sự hụt hẫng cho những người chót ôm đất trong cơn sốt ảo.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng kiến cơn sốt đất nền ảo, song người dân vẫn lao vào một cách mù quáng, dẫn đến những hệ lụy khó lường. Năm 2019 đã chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Giang, Vĩnh Phúc… gây rối loạn thị trường bất động sản.
Kịch bản sốt đất ảo mới diễn ra tại Bình Ba cũng tương tự như ở Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa (Long An), Long Thành (Đồng Nai)… trước đó. Các nhà đầu tư lướt sóng đầy kinh nghiệm cùng giới cò thạo tin là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cơn sốt ảo này. Họ là đối tượng chính âm thầm tạo nên cơn sốt bằng cách mua hàng loạt lô đất với giá rẻ rồi tung tin đồn, thổi giá lên cao để kiếm khoản lãi rồi lặn mất tăm. Lúc này, những nhà đầu tư nhỏ lao vào cơn sốt mà không có sự tính toán cẩn thận là những người bị mắc kẹt vì không thể tìm được khách thoát hàng.
Một cán bộ UBND xã Bình Ba nói: “Nhiều khu đất nông nghiệp ở Bình Ba được bán với giá trên dưới 500 triệu đồng/mét ngang có chiều dài khoảng 100m. Tính ra mỗi m2 tương đương 5 triệu đồng, đó là một cái giá không tưởng đối với đất nông nghiệp, nên tôi nghĩ người ôm đất sau cùng chắc chắn sẽ không có lối ra vì chẳng ai dám mua lại với giá cao ấy hơn nữa”.
|
Cơn sốt đất nền ảo trên địa bàn xã Bình Ba đã khiến hàng trăm nhà đầu tư ôm hận vì mua phải giá cao nhưng không thoát được hàng. Ảnh: Petrotimes.vn |
Bàn về nguyên nhân dẫn đến những cơn sốt đất diễn ra chóng vánh trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay, tất cả đều xuất phát từ các thông tin liên quan đến vấn đề quy hoạch, đầu tư hạ tầng, dự án sẽ được triển khai tại địa phương.
Đơn cử như cơn sốt đất diễn ra bất bình thường tại Hòa Liên (Đà Nẵng) hồi cuối năm 2018 là xuất phát từ thông tin về quy hoạch một số hạ tầng giao thông cùng chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu được Chính phủ thông qua. Hay như cơn sốt đất ở Ba Vì diễn ra suốt thời gian dài và hậu quả đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong là xuất phát từ thông tin quy hoạch Đại lộ Thăng Long, nối từ Hà Nội lên Ba Vì.
Cơn sốt đất tại các địa phương như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong… đều xuất phát từ thông tin Luật đặc khu sẽ được Quốc hội thông qua. Cho đến nay Luật này vẫn còn nằm đó nhưng giá đất tại các địa phương này đã neo ở mức cao ngất ngưỡng, khiến người mua thực khó có cơ hội để sở hữu.
Tình trạng sốt đất nền tại Thanh Hóa diễn ra thời gian qua đã khiến hàng loạt nhà đầu tư ôm hận vì chôn tiền vào đất, muốn bán cũng không được, thậm chí còn vướng vào dự án bị thu hồi, không có khả năng triển khai.
Đánh giá về những hệ lụy để lại sau mỗi cơn sốt đất ảo, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường sẽ phải đối mặt với 4 tác động chính.
Đầu tiên là người mua thực khó có thể tìm mua được nhà đất với giá trị phù hợp, do giá đất bị đẩy lên mức quá cao so với thực tế.
Tiếp đến là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong kế hoạch mở rộng sản xuất vì các chi phí liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng bị đội lên.
Thứ nữa là việc định giá tài sản thế chấp tại ngân hàng cũng sẽ gặp khó khi tài sản thế chấp là nhà đất nằm trong vùng sốt ảo.
Cuối cùng, nhiều khoản nợ xấu xuất hiện mà có thể phải mất rất nhiều năm mới có thể xử lý. Trên thực tế đa phần các nhà đầu tư lao vào ôm đất đều sử dụng đòn bẩy tài chính bằng vốn vay ngân hàng. Khi cơn sốt đất qua đi, người ôm đất không thoát được hàng, kế hoạch đầu tư bị vỡ khiến họ không tìm được nguồn thu để trả nợ nhà băng.
(nhipcaudautu)