Sau thời gian nở rộ hiện loại hình homestay đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với khách du lịch, đa phần các cơ sở kinh doanh ở Hội An (Quảng Nam) đều hoạt động rất cầm chừng, thậm chí là ế ẩm.
Homestay một thời phát triển nóng
Homestay đã một thời phát triển nóng ở trung tâm phố cổ Hội An với hàng loạt các khu dịch vụ lưu trú dày đặc. Có thể dễ dàng tìm được các cơ sở lưu trú này trên đường Hai Bà Trưng, từ ngoài mặt đường lớn cho đến trong hẻm sâu. Theo thông tin từ anh Phạm Ngọc Trung, chủ của một homestay tọa lạc ở cuối hẻm đường này, chỉ trong vòng bán kính khoảng 1km có tới vài chục homestay hoạt động. Đa phần đều có quy mô nhỏ và chật chội. Còn những căn nhà nằm trên mặt đường lớn vừa tận dụng buôn bán ở mặt tiền vừa làm homestay, thậm chí còn tận dụng cả khoảng sân để kinh doanh loại hình lưu trú này.
Homestay cũng xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Nguyên. Các homestay này thường là nhà ống hai, ba tầng sát nhau, lúc nào cũng nườm nượp du khách, phương tiện qua lại. Homestay cũng đua nhau mọc lên như nấm ở những khu vực nằm ở rìa phố cổ. Chỉ cần gõ tìm kiếm trên các trang đặt phòng sẽ xuất hiện hàng loạt homestay ở Hội An với đầy đủ các thông tin, hình ảnh và giá cả.
Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, tại Hội An mới có 151 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với quy mô 517 phòng. Nhưng hết tháng 6/2019, con số này đã tăng lên thành 315 cơ sở với tổng 1.259 phòng, bên cạnh đó còn có 138 homestay đã được chấp thuận chủ trương xây dựng nhưng chưa hoạt động.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh, homestay vốn được TP xem là sản phẩm du lịch cộng đồng chứ không phải là loại hình dịch vụ lưu trú. Để mở homestay cần phải tuân theo các quy định rất chặt chẽ như: diện tích đất ít nhất phải là 200m2, không được quá 5 phòng ngủ… “Tuy nhiên, khi Luật Du lịch năm 2017 ban hành, homestay được coi là 1 trong 8 loại hình lưu trú cơ bản, Hội An cũng phải thay đổi quy định về đăng ký kinh doanh homestay. Trong đó quy định có diện tích tối thiểu 100m2. Cơ chế “thoáng” hơn, khiến việc mở homestay trở nên ồ ạt, kéo theo nhiều hệ lụy”, ông Lanh nói.
Cuộc chiến khốc liệt của homestay
“Dài cổ chờ khách” là một trong những hệ lụy dễ thấy nhất. Theo chia sẻ của nhà đầu tư homestay Phạm Ngọc Trung, cơ sở của anh gồm 4 phòng nhưng công suất lấp đầy chỉ đạt được khoảng 40% trong suốt 2 năm qua. Vào mùa cao điểm của du lịch mới thi thoảng lấp đầy được 70%. Anh Trung nói: “Quanh đây chỗ nào cũng vậy thôi. Mở ra nhiều quá, trong khi khách bão hòa rồi. Ngoài việc cạnh tranh homestay với nhau, chúng tôi còn phải cạnh tranh với hostel, nhà nghỉ, khách sạn bình dân... Ở ngoài nhìn thì muốn đổ xô vào làm, nhưng làm rồi mới biết để duy trì được khốc liệt lắm”.
Nhà đầu tư homestay đang phải đối mặt với tình trạng ế khách kéo dài.
Dù sở hữu vị trí ngay mặt tiền lớn ở phường Cẩm Phô nhưng homestay của chị Đ.T.M. cũng không thoát khỏi tình trạng ế khách. Để duy trì hoạt động của cơ sở kinh doanh, nhà đầu tư này sẵn sàng hạ giá từ 350.000-400.000 đồng/phòng xuống còn 250.000 - 270.000 đồng/phòng, song cũng khó thu hút được khách lưu trú. Chị ngao ngán nói: “Trừ tiền thuế, tiền cho các dịch vụ đặt phòng trung gian thì mỗi phòng chỉ thu về khoảng 200.000 đồng. Có hôm tui chỉ bán được 1 - 2 phòng, không đủ trả công cho nhân viên dọn dẹp”.
Tình cảnh "ngồi đuổi ruồi" không chỉ xảy ra với anh Trung hay chị M., mà là điểm chung của nhiều chủ homestay khác, nhưng vì đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ nên đành phải "theo lao". Để cơ sở của mình có thể cầm cự được, họ đã tìm đến mọi phương án, từ quảng cáo, giảm giá cho đến nhờ khâu trung gian dẫn mối…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm này theo ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội homestay Hội An ngoài việc đua nhau mở rầm rộ còn do lỗi đi sai hướng của các nhà đầu tư. Ông Thuận nói: “Bản chất của homestay là nơi để khách được cùng ăn, cùng ở, cùng giao lưu, trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương. Ở Hội An thì những tiêu chí này càng phải có, bởi nhắc đến Hội An là người ra nghĩ đến sự yên bình, không gian nhẹ nhàng, được sống cùng người dân bản địa. Nhưng trên thực tế, nhiều homestay khách đến như nhét mình vào khối bê tông, đơn thuần chỉ ngủ nghỉ rồi rời đi”.
Đồng thời, vị Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết thêm, du khách thường xuyên để lại những bình luận thể hiện sự thất vọng, hụt hẫng trên các trang đặt phòng sau khi đã sử dụng dịch vụ lưu trú homestay tại địa phương.
"Để đảm bảo chất lượng dịch vụ homestay, UBND TP chủ trương tăng cường tập huấn cho những người dân làm dịch vụ lưu trú này kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, hướng dẫn lập thêm những sản phẩm mới cùng ăn, cùng ở, cùng làm với du khách. Đồng thời cập nhật những quy định về buồng phòng, quy tắc, thái độ ứng xử..." và thông tin thêm: "Qua khảo sát, nhiều hộ dân bức xúc vì trước đây trầy trật mới mở được, bây giờ chỉ cần 100m2 đất, sửa sang lại mấy cái phòng là có homestay cho thuê giá rẻ. Nhiều chủ homestay chấp nhận phá giá, bán không lời để cạnh tranh, cầm cự".
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An
Công suất thuê của homestay chưa tới 50%
Các homestay ở Đà Nẵng thường tập trung tại các khu vực gần với những địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương như quận Sơn Trà, Hải Châu.
Theo chia sẻ của một chủ homestay ở quận Cẩm Lệ, thủ tục mở homestay rất đơn giản, chỉ cần đăng kí kinh doanh, đảm bảo phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự…, còn diện tích của homestay, TP không hề quy định cụ thể. Nhà đầu tư này nói: "Nhà tôi cho thuê 200-500 ngàn đồng/phòng. Thời điểm hiện tại, đang kỳ nghỉ hè cũng chỉ bán được nửa số phòng. Bây giờ homestay ở Đà Nẵng đã bão hòa, không "hot" nữa, mong đừng lỗ là mừng rồi".
Tin sang nhượng homesstay được tăng tải liên tục trên các trang sang nhượng bất động sản của Đà Nẵng. Giá sang nhượng nằm trong khoảng từ 150-200 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà. Vì tình trạng kinh doanh quá ế ẩm nên Chị H.M.T, chủ một homestay ở quận Sơn Trà cũng đã phải sang nhượng lại.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, công suất buồng phòng bình quân trong năm 2018 và 2019 chỉ đạt khoảng 35-40 %.
Ông Thuận thông tin
|
(Tiền phong)