Đà giảm tốc của thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến hàng nghìn môi giới địa ốc phải chủ động rút lui, chuyển hướng sang nghề khác để tìm kiếm thu nhập tốt hơn.
Theo đánh giá của ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, thị trường bất động sản 2019 trượt dài trên đà giảm tốc, khan hiếm hàng hóa do dự án ít dần, dẫn đến nhân sự dư thừa.
Kết quả khảo sát nhanh của công ty cùng với hệ thống các sàn bất động sản liên kết tại TP.HCM cho thấy, nguồn môi giới tham gia bán hàng tại các dự án bất động sản tại Sài Gòn trong năm 2015 là khoảng 10.000 người và vọt lên khoảng 60.000 người vào cuối năm 2018, tăng gấp 6 lần chỉ trong 3 năm.
Thị trường bất động sản liên tục nóng sốt trong giai đoạn 2016-2018 là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng môi giới địa ốc. Số lượng dự án tung ra nhiều, dồn dập đã thu hút sự chuyển đổi của nguồn nhân sự từ nhiều ngành nghề khác sang bất động sản.
Thu nhập của nhân viên thuộc ngành bất động sản trong giai đoạn này luôn nằm ở ngưỡng từ hàng trăm đến cả tỷ đồng/năm. Thậm chí vào thời điểm giữa cuối năm 2018, vẫn có không ít doanh nghiệp địa ốc tuyển thêm nhân sự cho vị trí quản lý với thu nhập tới bạc tỷ/năm.
|
Ngành bất động sản đang rơi vào cơn khủng hoảng dư thừa nguồn nhân sự. Ảnh: K.H |
Nhưng thị trường bất động sản bắt đầu có biến động mạnh kể từ năm 2019, nguồn cung giảm mạnh, rổ hàng hóa teo tóp dần, dẫn đến việc sàng lọc nguồn nhân sự địa ốc vô cùng khắc nghiệt. Thay vì cố bám trụ với nghề, đã có hàng nghìn môi giới bất động sản chọn chuyển hướng sang ngành nghề khác để tìm kiếm thu nhập.
Cũng có những nhân viên kinh doanh rời bỏ thị trường Sài Gòn đầy cạnh tranh để tìm đến những vùng miền mới với hy vọng bám lại được với nghề môi giới địa ốc. Tuy nhiên, việc bán hàng tại các thị trường tỉnh cũng không hề khá hơn do không có hàng, nguồn cung giảm tới 50-60 %.
Vào thời điểm năm 2017, nếu trong 4 tuần, ba nhân viên kinh doanh bất động sản bán được một sản phẩm thì nay cùng 1 sản phẩm có tới 8 môi giới rao bán trong 1 tháng. Tỷ lệ hoa hồng trung bình là 1-1,5 % tổng giá trị hợp đồng mua bán khiến thu nhập của nhân viên môi giới giảm mạnh, thậm chí không đủ trang trải sinh hoạt phí hàng ngày.
Những khó khăn trên khiến người lao động trong ngành bất động sản phải chủ động sàng lọc và tự đào thải. Đã có tới 5-7 % môi giới địa ốc (tương đương 3.000-4.000) lựa chọn chuyển đổi công việc trong 11 tháng qua.
Đây được xem là hành vi phù hợp với điều kiện thị trường vì nó sẽ giúp người lao động tìm kiếm được nguồn thu nhập khác tốt hơn, cuộc sống cũng từ đó mà ổn định hơn. Ông Quang nhận xét: "Trước đây khi bất động sản nóng sốt họ từ những ngành khác cập bến thị trường địa ốc thì nay khi đà giảm tốc mạnh dần, họ trở về vạch xuất phát ban đầu."
Thị trường cũng có khoảng 10% môi giới địa ốc (ước tính 6.000) vừa kết hợp bán bất động sản vừa tìm kiếm thêm thu thu nhập từ những ngành nghề khác.
Thông thường, tháng 12 vẫn được đánh giá là thời điểm vàng để bán hàng của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản 2019 vẫn khá trầm lắng. Theo dự báo của ông Quang: "Năm 2020 ngành địa ốc tiếp tục kịch bản sàng lọc nhân sự vì các dấu hiệu khởi sắc vẫn chưa rõ rệt. Nhiều khả năng số lượng môi giới sẽ giảm thêm 10% trong năm tới, tương đương đào thải thêm 6.000 người nữa."
(vnexpress)