Trong 3 tháng qua, chung cư bình dân, giá rẻ tại Sài Gòn không có thêm nguồn cung mới và tình trạng khan hàng có thể xảy ra đến cuối năm.
DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo cho thấy, từ giữa năm 2017 đến nay, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh của phân khúc căn hộ hạng C (nhà ở bình dân, nhà thương mại giá rẻ) cùng với đó là sự áp đảo của căn hộ hạng A, B (cao và trung cấp). Có những tháng, thị trường không có dự án nhà giá rẻ nào mới được chào bán.
Thực tế, dấu hiệu sụt giảm của rổ hàng căn hộ giá rẻ Sài Gòn đã xuất hiện nhiều quý liền. Các chung cư có giá khoảng 1 tỷ đồng được tung ra thị trường nằm tại vị trí giáp ranh Sài Gòn. Nếu trong quý I/2018, căn hộ hạng C chiếm 32% nguồn cung, trong quý II là 29% thì sang quý III, nguồn cung chỉ là 0%. Dự báo, tình trạng khan hiếm này có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo.
Ngoài sự sụt giảm về nguồn cung, vị trí phân bố căn hộ hạng C cũng dần dịch chuyển ra xa trung tâm thành phố hơn. Trong giai đoạn 2016-2017, khách hàng có thể tìm mua căn hộ hạng C ở quận 8, 9, Thủ Đức thì đến nay, căn hộ bình dân chủ yếu tập trung ở những quận/huyện nằm ở xa như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Hạ tầng, giao thông tại đây chưa được đầu tư đồng bộ nên cư dân gặp phải nhiều khó khăn trong giao thương và sinh hoạt.
|
Một dự án nhà thương mại giá rẻ tại quận 2. Ảnh: Hao Bui |
Ngoài ra, nhiều dự án căn hộ giá rẻ được đánh giá là chưa hấp dẫn người mua bởi những hạn chế về chất lượng sản phẩm, tiện ích nội khu, chính sách bán hàng, vốn hỗ trợ mua nhà, quản trị chung cư.
DKRA Việt Nam nhận định, tỷ lệ nguồn cung giữa các phân hạng căn hộ đang có biểu hiện bất hợp lý. Trên thực tế, vì phù hợp với nhu cầu của phần lớn khách hàng, nguồn cung căn hộ bình dân, giá rẻ phải chiếm tỷ trọng lớn hơn căn hộ hạng A, B (cao - trung cấp).
Hiện nay, tỷ lệ dân số trẻ tại Việt Nam đang chiếm đa số. Với mức thu nhập không cao, nhóm khách hàng này hướng đến phân khúc căn hộ hạng C. Khi tiến hành việc đô thị hóa và các chương trình cải tạo, chuyển đổi chung cư cũ, tái định cư nhà ven kênh rạch, căn hộ hạng C được xem là phù hợp với nhu cầu và tài chính của người dân.
Để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, DKRA cho rằng, vai trò của Nhà nước, các Bộ, Sở, ban ngành, cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc triển khai các chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hạn. Cùng với đó, chiến lược quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các khu vực, hoàn thiện hệ thống giao thông cũng sẽ giúp giảm thời gian di chuyển đến các dự án nhà giá rẻ.
Các chủ đầu tư cũng cần điều chỉnh giá thành sản phẩm về mức hợp lý, tăng cường chính sách hỗ trợ khách hàng để đưa căn hộ vừa túi tiền đến tay người dân, từ đó kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu ở thật.
(Vnexpress)