Để thu hồi vốn do kinh doanh không hiệu quả, nhiều chủ đầu tư khách sạn ở Đà Nẵng đang bán tháo khách sạn tầm trung. Tuy nhiên, nếu nói Đà Nẵng đang "vỡ trận" khách sạn tầm trung là thiếu thực tế.
Tại Đà Nẵng, số khách sạn tầm trung mỗi năm một tăng nên đã dẫn đến tình trạng
cung vượt cầu. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trong những ngày này, tại TP Đà Nẵng, rất nhiều khách sạn từ 1 - 3 sao đang được rao bán trên mạng. Trừ những khách sạn có định hướng kinh doanh rõ ràng, còn một số khách sạn đầu tư một cách tự phát, thiếu kế hoạch kinh doanh và thông tin thị trường đã rơi vào tình trạng kém hiệu quả, chủ đầu tư buộc phải chuyển nhượng tài sản.
Hiện tại, những vị trí đắc địa như T18, đường Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt, lý do khiến các chủ đầu tư chuyển nhượng khách sạn không phải là do làm ăn thua lỗ mà do loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này đang lên ngôi. Nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội, Đà Nẵng đã chọn hình thức mua đất, xây khách sạn, sau đó bán lại.
Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng tính đến giữa năm 2016 đạt khoảng 530 khách sạn, hơn 20.000 phòng nghỉ dưỡng, trong đó khối 1 - 2 sao và tương đương khoảng 400 khách sạn, gần như chiếm toàn bộ cơ sở hạ tầng khách sạn tại TP này.
Do số khách sạn tầm trung mỗi năm một tăng nên đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Thế nhưng, nếu cho rằng TP Đà Nẵng đang "vỡ trận" khách sạn tầm trung là thiếu thực tế vì bên cạnh các khách sạn chuyển nhượng bán do thua lỗ, giá bán khách sạn nguyên căn tại những vị trí đắc địa vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng.
(VTV)