Thông tin thị trường

Khách hàng đối mặt nguy cơ trắng tay vì hợp đồng góp vốn mua nhà

04/05/2017 - 07:29

Khi thị trường bất động sản gặp khó, nhiều chủ đầu tư huy động vốn bằng hợp đồng góp vốn mua nhà với khách hàng khi dự án chưa được triển khai. Tuy nhiên, người mua nhà bỗng dưng lại rơi vào cảnh nguy cơ mất vốn khi chủ đầu tư không thực hiện cam kết dù thị trường đã ấm lại.

Khách mua nhà bỏ tiền mua bội tín

Hiện tại, hàng chục khách hàng góp vốn vào dự án căn hộ tại 99 Trần Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang làm đơn kêu cứu khắp nơi vì suốt 7 năm đóng tiền góp vốn mà nhà chưa thấy đâu.

Trước đó, vào năm 2010, nhóm khách hàng gồm 63 người ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội mới (Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới) về việc góp vốn đầu tư dự án chung cư tại 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư. Theo đó, khách hàng sẽ được mua căn hộ với giá trên hợp đồng góp vốn là 18,5 triệu đồng/m2. Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới nộp toàn bộ số tiền này cho Công ty Đức Phương.


Sau 7 năm đóng tiền, người mua nhà bằng hợp đồng góp vốn dự án 99 Trần Bình có nguy
cơ mất trắng.

Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư, người mua sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ với giá bán không thay đổi là 18,5 triệu đồng/m2 sau khi hoàn thành phần móng (cuối năm 2011). Song, do thiếu vốn nên dự án chậm tiến độ 4 năm. Vào cuối năm 2014, Công ty Đức Phương ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam để đầu tư xây dựng toàn bộ tòa nhà đa năng Đức Phương…

Ngày 29/8/2015, Công ty Đức Phương bán cổ phần cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó BID Việt Nam là chủ sở hữu Công ty Đức Phương và đổi tên dự án “Tòa nhà đa năng Đức Phương” thành “The Garden Hill Tower”. Có dự án trong tay, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô. Theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ được thiết kế 11 tầng nhưng điều chỉnh dự án thành 2 tòa, một tòa 25 tầng và một tòa 29 tầng. Vì phải điều chỉnh thiết kế nên thời gian triển khai dự án càng kéo dài, khách hàng góp vốn rơi vào cảnh lo lắng “mất ăn mất ngủ”.

Một khách hàng góp vốn mua nhà tại dự án, anh Nguyễn Văn Hiếu bức xúc chia sẻ: “Các căn hộ chúng tôi chọn trước đây không còn trên sơ đồ và BID Việt Nam không cho khách hàng đã ký góp vốn trước đó được chọn căn hộ. Họ đơn phương áp mức giá 28 triệu đồng/m2 nếu chúng tôi muốn ký hợp đồng mua bán. Như vậy, chúng tôi phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng nữa mới mua được nhà ở đây. Thậm chí, khi chúng tôi có đồng ý ký cũng thiệt thòi hơn so với khách hàng ký mới. Khách ký mới được vay ưu đãi ngân hàng trong khi chúng tôi góp vốn nhiều năm lại không được vay”.

Quyền lợi của người mua nhà bị bỏ ngỏ?

Hiện một số khách hàng đã có đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tân Phú Long chiếm dụng hàng tỷ đồng góp vốn tại dự án Twin Towers đường Láng (Hà Nội). Nội dung đơn tố cáo của một khách hàng nêu rõ, MIC rao bán căn hộ dự án tại số 1152-1154 đường Láng vào năm 2011. Lúc bấy giờ, các cán bộ, người nhà cán bộ quản lý của MIC được khuyến khích đăng ký trước để kêu gọi thêm cán bộ khác tham gia vào dự án. Tin tưởng MIC, từ tháng 7/2011, một số cán bộ đã nộp tiền mua nhà tại dự án với mức tiền lên đến 60-70% giá thành căn hộ dự kiến mua.

Vậy nhưng, sau khi khách hàng đã đóng tiền được 1 năm, công trình không triển khai được gì. Tháng 8/2012, một số người đóng tiền đã ký đơn kiến nghị MIC trả lại tiền đã nộp vào để mua nhà dự án. Các khách hàng đã đóng tiền chỉ nhận được những lời hứa suông sau nhiều lần có đơn kiến nghị và làm việc trực tiếp với lãnh đạo MIC, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tân Phú Long.

Bàn về vấn đề này, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, ông Nguyễn Thế Truyền cho hay, mọi hợp đồng góp vốn đều vi phạm pháp luật nên mới có người bị khởi tố, bị bắt. Song, khi dự án bị chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư mới, quyền lợi của người mua nhà bị bỏ ngỏ. Chủ đầu tư mới bao giờ cũng xin điều chỉnh quy hoạch để tăng số lượng căn hộ. Đồng thời, khi cơ quan chức năng ký điều chỉnh quy hoạch cũng đã không nghĩ đến quyền lợi của người mua nhà trước đó. Thế nên mới có chuyện chủ đầu tư “ép” khách hàng với những điều khoản mới.

Luật sư Truyền nhận định, từ những vụ việc tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư thời gian qua có thể nhận thấy hậu quả khôn lường từ việc tự nguyện ký kết hợp đồng góp vốn mua nhà mà không có sự tìm hiểu kỹ càng trước. Do vậy, để hạn chế tình trạng này, mỗi khách hàng khi có dự định đặt tiền mua dự án cần tìm hiểu kỹ để không bỏ tiền ra để mua “bội tín” của chủ đầu tư dự án.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, chủ đầu tư khi muốn bán căn hộ phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng để xét duyệt. Sở Xây dựng Hà Nội công khai hàng tháng các dự án được phép bán hàng trên web: http://www.soxaydung.hanoi.gov.vn. Khách mua nhà có thể tìm những dự án được phép bán hàng tại web này để tránh bị lừa đảo.

(Tiền phong Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm