Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) đang chứng kiến một cuộc đổi chủ mạnh mẽ ở các dự án BĐS khiến lĩnh vực này trở thành “miếng bánh” hấp dẫn của những “tay chơi” mới nổi.
Hoạt động M&A BĐS đang bùng nổ nhưng khác hẳn với những cơn “sóng ngầm” trước đây, các thương vụ đều ở quy mô lớn với độ phức tạp cao. Chủ tịch Sohovietnam (chuyên về tư vấn chuyển nhượng dự án BĐS), ông Phan Xuân Cần cho rằng, “hết nạc sẽ vạc đến xương”, trước đây bên mua thường lựa chọn những dự án “hoa hậu”, nay họ đã bắt đầu tìm đến những siêu dự án “chết lâm sàng” để hồi sinh.
Đó đều là những dự án có độ phức tạp cao về tính pháp lý, được ví như một “khúc xương khó nhằn” do dự án chậm trễ nhiều năm lại dính kiện tụng triền miên. Tiêu biểu như thương vụ Usilk City vừa qua, phải là những chủ đầu tư bản lĩnh mới dũng cảm mua lại những dự án tai tiếng. Đây là một xu hướng hướng M&A BĐS mới trên thị trường.
Nhộn nhịp mua, bán dự án “chết lâm sàng”
Novaland nổi lên với chiến lược mua sắm dự án “chết” tại Tp.HCM, trong năm 2015, tập đoàn này đã nâng số dự án sở hữu lên con số 25. Đáng chú ý là, 2/3 trong số này được Novaland đang triển khai xây dựng. Đơn cử như Sunrise Cityview, Golden Mansion, Sunrise Riverside, Newton Residence, Duxton Residence, The Park View...
Vừa qua, Trường Lộc Phát và Phát Đạt đã mua lại Dự án 132 Bến Vân Đồn từ Nguyễn Kim và Devt, JSC. Jones Lang Lasalle tiết lộ thương vụ này có trị giá hơn 40,4 triệu USD. Trong khi đó, Capitaland mua lại dự án Thảo Điền Plot từ Công ty Thanh Niên, tuy nhiên giá trị thương vụ này không được tiết lộ.
Đất Xanh cũng chi 61 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu gần 100% chủ đầu tư dự án Opal Tower ở Thủ Đức; Công ty căn nhà mơ ước cũng chi 110 tỷ đồng mua một dự án trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7)…
Các thương vụ M&A BĐS hiện nay đều có quy mô lớn với độ phức tạp cao.
(Ảnh minh họa).
Không kém phần sôi động, thị trường Hà Nội cũng đang diễn những cuộc đổi chủ và hồi sinh dự án “chết”. Cuối năm 2015, đại gia Hải Phát nhảy vào thâu tóm tòa 105 CT2 Usilk City của Sông Đà Thăng Long, đồng thời cam kết với khách hàng sau 27 tháng thi công sẽ bàn giao nhà. Trên thực tế, đến nay dù chưa thu thêm một đồng nào từ khách hàng nhưng Hải Phát đã rót vào dự án 500 tỷ đồng để xây phần thân lên đến tầng 33 trên tổng số 35 tầng của tòa nhà này.
Từ một bãi đất hoang của dự án Castle Plaza (Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm), TNR Holdings đã nhảy vào vực dậy dự án từ cuối 2014. Doanh nghiệp này đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án, hiện 9 tòa chung cư cao 40 tầng lần lượt mọc lên. Sau khi được chuyển nhượng một phần cho Techcom Developer, dự án Nam An Khánh đã tái xuất dưới diện mạo hoàn toàn mới là khu biệt thự Vinhomes Thăng Long.
Tại Đà Nẵng, hoạt động chuyển nhượng dự án cũng diễn ra rầm rộ. Các thương vụ lớn mới đây phải kể tới như mảnh đất vàng đắp chiếu của HUD ngay bãi biển Mỹ Khê đã về tay đại gia KCN PPC An Thịnh. Dự án đang được khởi động xây dựng Tổ hợp Ánh Dương Soleil Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng;
Dự án World Trade Centre Đà Nẵng với tổng mức đầu tư ở thời điểm công bố là 325 triệu USD, cũng đang được chuyển nhượng lại sau 10 năm "trùm mền".
"Thế lực" mới xuất hiện
Xu thế M&A BĐS mạnh mẽ đã kéo theo cục diện về những đại gia trên thị trường dần thay đổi. Theo đó, những cái tên vang bóng một thời như HUD, Sudico, Vinaconex, công ty dòng họ BĐS dầu khí,… đang nhường lại sân chơi cho các nhà phát triển địa ốc tư nhân trong nước có tiềm lực mạnh như VinGroup, Novaland, SunGroup, BRG, BimGroup, Đại Quang Minh, CEO Group, TNR Holdings, FLC và những tay chơi nước ngoài như Keppel Land, Capitaland hoặc mới đây có sự tham gia của Creed Group và Gaw Capital Partners.
Thị trường BĐS đang thu hút mạnh các đại gia ngoài ngành.
Không ít đại gia khác coi BĐS là tay trái thì giờ đang mạnh tay rót tiền đầu tư như ông chủ Tôn Hoa Sen - Lê Phước Vũ, đại gia Hà Tĩnh - Phạm Hoành Sơn, tỷ phú người Ninh Bình - Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy),…
Trong khi Tôn Hoa Sen và ThaiGroup đang tấn công vào mảng BĐS khách sạn, nghỉ dưỡng thì một số đại gia ngoài ngành khác lại nhăm nhe vào phân khúc nhà ở.
Tôn Hoa Sen vừa công bố chi 1.200 tỷ đồng xây khách sạn 4 sao ở TP Yên Bái và thành lập 4 công ty con BĐS nghỉ dưỡng gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Vân Hội, Hoa Sen Hội Vân và Hoa Sen Quy Nhơn. Lãnh đạo tập đoàn này còn có tham vọng xây dựng cao ốc chọc trời cao nhất TP Quy Nhơn. Trước đó, bầu Thụy thâu tóm khu đất vàng 3,5 ha trên đường Đào Duy Anh (Hà Nội) để xây khu tổ hợp khách sạn cao cấp và đầu tư vào dự án khu nghỉ dưỡng quy mô tới 300 ha tại Phú Quốc.
Đồng thời, cuộc đua BĐS còn có sự góp mặt của loạt đại gia nông nghiệp, thủy sản, cáp viễn thông. Chẳng hạn như Đức Long Gia Lai chuyển trọng tâm làm 3 dự án BĐS với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng tại Tp.HCM, Samco thâu tóm dự án Công viên Đầm Sen; Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (SSN), Sao Mai An Giang cũng nhảy vào BĐS với hàng loạt dự án tại Tp.HCM…
(Trí thức trẻ)