Khoản lợi nhuận thu về từ suất đầu tư chính là điểm mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn và động lực phát triển bất động sản. Sự chệnh lệch về giá sản phẩm trước và sau khi hoàn thành được tính theo cấp số nhân.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) tại một hội thảo về đất đai mới được tổ chức gần đây đã đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi gia nhập WTO trở nên thuận lợi hơn, cơ hội đầu tư mới dành cho các nhà đầu tư nội và ngoại cũng mở ra nhiều hơn.
Theo bà Nhung, quá trình dịch chuyển vị trí cũng như mục đích sử dụng của đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để triển khai dự án đã làm gia tăng giá trị của đất, đồng thời cũng từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang thương mại dịch vụ.
Vị chuyên gia nói: "Đối với nhà đầu tư, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt nên có được những mạnh đất có “vị trí vàng” sẽ có lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu được nhiều lợi ích từ các chuyển dịch đất đai sau đầu tư" và cho biết thêm, lợi nhuận và giá trị chênh lệch lũy tiến theo cấp số nhân chính là điểm thu hút các nhà đầu tư đối với lĩnh vực bất động sản.
|
Lợi nhuận thu về từ đầu tư bất động sản có thể tăng theo cấp số nhân. |
Qua quá trình khảo sát thực tế, nữ chuyên gia khẳng định: "Giá trước khi có dự án và giá bất động sản sau dự án chênh lệch từ 50-700 lần".
Cùng với đó, theo bà, cần có sự kết hợp của nhiều ban ngành thì mới tạo được thành công trong quá trình chuyển dịch đất đai. Nhà nước cần phải đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể để tạo sự phát triển bền vững cho việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đất đai.
"Các biện pháp thúc đẩy chuyển dịch đất đai hướng tới phát triển bền vững cần có sự nỗ lực và thành ý của mỗi cá nhân và tổ chức trong bộ máy quản lý, kinh doanh, đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng, bộ máy hành chính, dịch vụ từ Trung ương đến địa phương", bà Nhung nói thêm.
Bàn về vấn đề đầu tư phát triển thị trường bất động sản, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải thực hiện triệt để công cuộc chuyển dịch đất đai từ sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả thành sử dụng hiệu quả cao hơn. Song, chuyển dịch đất đai trên thực tế thường phát sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến lợi ích về đất đai.
Vậy nên, vị chuyên gia đề xuất, cần có sự đổi mới về cơ bản trong pháp luật đất đai theo hướng phục vụ mục đích sinh lợi. Đơn cử như việc phê duyệt các dự án cần đất vì mục tiêu sinh lợi cần phải dựa trên cơ sở của sự phân tích chi phí - lợi ích về kinh tế gắn liền cam kết chia sẻ lợi ích, phải có sự đánh giá về mặt tác động đến xã hội cũng như môi trường khi phát triển dự án.
Thêm vào đó, khung pháp luật được tạo lập cho cơ chế chuyển dịch đất đai cần phải nhận được sự đồng thuận cao từ đa số người dân; việc nghiên cứu các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần gắn với nguyên tắc chia sẻ lợi ích chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình từ phía cộng đồng. Việc thực hiện chuyển dịch đất đai không chỉ được áp dụng cho trường hợp chuyển hoàn toàn quyền sử dụng đất mà nên áp dụng đối với cả phương thức thuê đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cuối cùng, ông Võ nhấn mạnh: "Áp dụng 2 đề xuất đổi mới như trên sẽ phát huy được mọi ưu điểm và khắc phục được mọi nhược điểm của cả chuyển dịch đất đai bắt buộc và tự nguyện".
(dantri)