Để làm 2 tuyến đường dọc sông Hồng chạy song song hai bên bờ sông Hồng từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì, chi phí ước tính khoảng 51.619 tỷ đồng.
Trong 35 dự án đầu tư về lĩnh vực hạ tầng mà tp Hà Nội đang kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP), đây là 2 dự án lớn nhất.
Dự án trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ phải) với tổng mức đầu tư dự kiến 29.000 tỷ đồng, chiều dài toàn hơn 29km.
Trong khi đó, dự án trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ trái) với tổng mức đầu tư dự kiến 22.619 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 23,6km.
Hai tuyến đường dọc sông Hồng (màu đỏ) có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.
Đây là 2 tuyến đường huyết mạch chạy song song hai bên sông Hồng của phần lõi Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng, là tuyến đường quan trọng kết nối giữa vùng nội đô lịch sử với phần đô thị mở rộng đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh như Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh...
Ngoài 2 dự án trên, TP Hà Nội còn kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào 33 dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật, hạ tầng khác với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 331.955 tỷ đồng. Bốn dự án đường sắt trên cao chiếm một nửa tổng số vốn trên với 150.000 tỷ đồng (7,1 tỷ USD).
Bốn tuyến này gồm tuyến số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) có tổng mức đầu tư khoảng 28.175 tỷ đồng; tuyến số 4 từ Liên Hà đến Vĩnh Tuy dài 18km, trong đó có 6km đi ngầm, tổng mức đầu tư 40.885 tỷ đồng; tuyến số 5 từ trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh Hòa Lạc dọc trục đường Đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư 65.572 tỷ đồng dài trên 38km và tuyến số 6 từ trung tâm ra sân bay Nội Bài dài 47km, tổng mức đầu tư 14.282 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội cho hay, việc huy động tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ bản của Hà Nội để giảm tải áp lực về ngân sách Nhà nước, huy động được vốn tư nhân và kinh nghiệm quản lý các dự án.
(Trí thức trẻ)