Thông tin thị trường

Địa ốc Đà Nẵng: Bội thực nguồn cung khách sạn

02/03/2017 - 09:45

Hiện tại, việc kinh doanh của các khách sạn thấp sao hay các nhà nghỉ trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung quá nhiều so với nhu cầu.

Nguồn cung lớn hơn cầu

Cả TP Đà Nẵng đang như một đại công trình trong những ngày này. Không ít các dự án lớn đang chạy đua nước rút để kịp phục vụ APEC 2017 như Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hội chợ triển lãm, dự án mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng... Bên cạnh đó, với hy vọng "đón sóng" APEC 2017, nhiều cá nhân cũng đang gấp rút đầu tư, xây dựng các khách sạn nhỏ. Thực trạng này càng khiến thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đứng trước nguy cơ... bội thực nguồn cung.

Vốn là một chủ kinh doanh trái cây ở chợ Hàn, ông Nguyễn Công Thanh tích cóp được một số vốn kha khá và đang có ý định săn tìm một lô đất ở khu vực ven biển quận Sơn Trà để xây khách sạn. Lý giải về sự chuyển hướng kinh doanh, ông Thanh cho biết, khu vực quận Sơn Trà đang được đầu tư nhiều dự án lớn như hầm chui sông Hàn, khu du lịch quốc gia, công viên Đại dương... lượng khách du lịch sẽ đến đông nên gia đình có kế hoạch chuyển sang kinh doanh khách sạn.

bội thực khách sạn tại Đà Nẵng
Việc kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn bởi cung vượt cầu.

Thực tế cho thấy, không phải đến gần thời điểm APEC 2017 phong trào xây dựng khách sạn mới ồ ạt như hiện nay tại Đà Nẵng. Từ nhiều năm qua, cuộc đua xây dựng các nhà nghỉ mini, khách sạn đã diễn ra tại TP này. Thời điểm từ năm 2013 đến 2015, tại nhiều khu vực ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê nhiều người tranh đua nhau xây khách sạn để kinh doanh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn từ 1 - 3 sao đã được khởi công xây dựng. Riêng trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có tới 172 khách sạn với 6.424 phòng và 93 nhà nghỉ, chủ yếu là khách sạn 3 sao và 3 sao trở xuống.

Tại những tuyến đường như Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà đã có đến hàng chục khách sạn lớn nhỏ nên nhiều người gọi đây là "phố khách sạn". Có người từng ví von rằng, cuộc đua xây dựng các khách sạn đã góp phần quan trọng để “rã đông” thị trường địa ốc TP Đà Nẵng sau một thời gian dài đóng băng.

Thời điểm xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài, phong trào xây dựng khách sạn tại Đà Nẵng càng mạnh mẽ hơn. Các cơ quan chức năng ở quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện 71 cá nhân đứng tên mua 138 lô đất cho người Trung Quốc.

Khu vực đất được mua chủ yếu nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, gần với sân bay Nước Mặn (khu vực quân sự). Các chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng các khách sạn sau khi hợp thức hóa các lô đất. Đáng chú ý là, những khách sạn này chỉ tiếp những khách du lịch là người Trung Quốc, khiến người dân địa phương cũng như du khách bức xúc, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Với nguồn cung quá nhiều, việc kinh doanh của các khách sạn thấp sao hay các nhà nghỉ trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn. Minh chứng là, trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, công suất phòng bình quân toàn khối khách sạn 3 sao đạt 46%, trong khi nhóm 1-2 sao chỉ đạt khoảng 25% - 30%.

Nhóm từ 4 sao trở lên công suất phòng đều đạt trên 75%. Nguồn cung vượt nhu cầu, đặc biệt là vào mùa thấp điểm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh về giá để hút khách. Thậm chí, có thời điểm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh đã phải lên tiếng đề nghị các khách sạn “đừng bao giờ bán thấp dưới giá thành của mình” bởi việc bán thấp hơn giá thành là tự gây khó cho mình và những khách sạn xung quanh.

Khóc thầm với... khách sạn

Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có trên 500 cơ sở lưu trú từ 1 - 3 sao với trên 14.000 phòng. CBRE Việt Nam cho hay, phân khúc khách sạn 3 sao chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn cung hiện nay với 45%, khách sạn 4 sao chiếm 27% và khách sạn 5 sao chiếm 28%. Từ nay đến hết năm 2018, dự báo Đà Nẵng sẽ bổ sung thêm 6.000 phòng khách sạn, chủ yếu là khách sạn trung cấp.

Theo thời gian, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày một tăng lên. Song, số lượng nguồn khách du lịch đến thành phố ngày càng có mức chi tiêu cao, đòi hỏi các dịch vụ tương xứng. Thế nên, đa số nguồn khách đến Đà Nẵng là khách của phân khúc khách sạn 4 - 5 sao, số rất thấp sử dụng khách sạn 3 sao. Ngoại trừ các dịp đặc biệt như lễ hội trình diễn pháo hoa... hết phòng ở các khách sạn “xịn” một số du khách chấp nhận đặt phòng từ 3 sao trở xuống.

Cùng với đó, thị trường khách sạn nói chung, nhất là các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống đang phải cạnh tranh với mô hình Condotel căn hộ kết hợp khách sạn vốn đang lên ngôi ở Đà Nẵng với hàng loạt dự án đã và đang được tung ra thị trường. 

Trong bối cảnh đó, thời gian gần đây rất nhiều nhà đầu tư đã phải tìm cách rao bán khách sạn để cắt lỗ. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “mua bán, sang nhượng khách sạn tại Đà Nẵng”, trong vòng 0,79 giây đã cho ra khoảng 871 nghìn kết quả liên quan. Không ít khách sạn làm ăn không hiệu quả đã buộc phải tìm đến các sàn giao dịch địa ốc tìm mối sang nhượng, cho thuê lại hoặc bán lại.

Theo đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Nguyễn Văn Linh, nhu cầu mua bán hoặc cho thuê lại khách sạn ở Đà Nẵng rục rịch từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do giá cho thuê hoặc giá bán quá cao so với khả năng khai thác trong thực tế nên rao bán nhiều nhưng giao dịch thành công rất ít. Một số khách sạn nhỏ trên địa bàn đã được chủ đầu tư chuyển hướng kinh doanh vào các lĩnh vực phục vụ du lịch như nhà hàng đặc sản, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, quán bar, cà phê,...

Nhiều người cho rằng, đây cũng chỉ là những giải pháp “chữa cháy” tạm thời. Về dài hạn vẫn rất khó cho các chủ đầu tư khi lỡ đầu tư vào thị trường khách sạn vốn đang có sự cạnh tranh quyết liệt. Đồng thời, thực tế này cũng đặt ra cho cơ quan chức năng như vấn đề cần phải giải quyết khi quy hoạch, cấp phép, quản lý khách sạn đang tràn lan một cách vô tội vạ, sống chết... mặc chủ đầu tư như hiện nay.

(Thời báo Ngân hàng)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm