Hiện tại, Pyn Elite Fund đang chuyển dần các khoản đầu tư vào Việt Nam thông qua việc rót đến 80% tổng tài sản trị giá khoảng 265 triệu USD vào các cổ phiếu bất động sản (BĐS) trên sàn HNX và HOSE.
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Non-Ucits) đã không ngừng mua vào các cổ phiếu xây dựng, BĐS tại Việt Nam kể từ tháng 10/2015. Pyn Elite Fund đã mua tới hơn 1,38 triệu cổ phiếu của Công ty Tập đoàn C.E.O vào ngày 14/10/2015, từ đó nâng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp này từ hơn 7% lên khoảng hơn 9% (tương đương 6,3 triệu cổ phiếu).
Được biết, quỹ đầu tư này cũng mua khoảng 6 triệu cổ phiếu HQC và nâng mức sở hữu tại doanh nghiệp này lên 21,94 triệu đơn vị (8,34%). Bên cạnh đó, Pyn Elite Fund còn mua vào tổng cộng 3,34 triệu cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai và 1,7 triệu cổ phiếu TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ này lên lần lượt là 5,65% và 13,24%.
Biểu đồ thể hiện các cổ phiếu BĐS mà quỹ Pyn Elite Fund đang nắm giữ tại
Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của VnExpress, quỹ này hiện đang là cổ đông lớn của rất nhiều doanh nghiệp BĐS, xây dựng khi nắm tới 7,6 triệu cổ phiếu HBC (khoảng 10,29%); 11,8 triệu cổ phần DIG (5,96%); 5,6 triệu cổ phiếu VNE (9,12%); 564.000 cổ phiếu của C32 (5,04%); 1,7 triệu cổ phiếu NDN (5,29%); 832.000 cổ phiếu CMI (5,21%);… Theo đó, tổng giá trị các khoản đầu tư này đạt gần 700 tỷ đồng.
Tiền thân của Pyn Elite Fund là quỹ đầu tư Mutual Fund Elite, do PYN Fund Management đến từ Phần Lan thành lập vào đầu năm 1999. Châu Á (trừ Nhật Bản) là phạm vi đầu tư chủ yếu của doanh nghiệp này. Quỹ đầu tư đã dành đến 85% tài sản để đầu tư vào Thái Lan vào cuối năm 2012. Song đến đầu năm 2013, quỹ này đã bất ngờ rút vốn tại Thái Lan và chuyển dần khoản đầu tư sang Việt Nam và Trung Quốc. Vậy nhưng, Pyn Elite Fund cũng đã công bố thoái vốn tại một công ty Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng 9 năm nay.
Tính tới cuối tháng 9/2015, quỹ Pyn Elite Fund đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 265 triệu euro. Được biết, 80% vốn đã được Pyn Elite Fund đổ dần vào thị trường Việt Nam (tầm 212 triệu euro). Còn Hong Kong chiếm 4%, Trung Quốc chiếm khoảng 11% và 5% còn lại là tiền mặt.
Cùng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS, nhóm cổ phiếu địa ốc, xây dựng vẫn được các chuyên gia đánh giá rất tiềm năng. Theo dự báo của Công ty chứng khoán BIDV, nhờ dòng tín dụng BĐS, tốc độ bán hàng của các doanh nghiệp nhóm này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Hơn nữa, trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh và tình hình kinh tế thế giới biến động, giới đầu tư sẽ có xu hướng tìm kiếm các tài sản an toàn, trong đó kênh BĐS được ưa chuộng hàng đầu.
Công ty chứng khoán BIDV cho hay: "Trong những tháng còn lại của năm 2015, cùng với ngân hàng, đây chính là ngành có khả năng dẫn dắt VN-Index. Mặt khác, việc giao dịch địa ốc tăng mạnh trong 9 tháng qua và độ trễ trong việc ghi nhận doanh thu, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS, xây dựng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2016".
Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam ông Troy Griffiths trong lần phỏng vấn gần đây của Vnexpress cũng cho rằng về dài hạn, BĐS sẽ được hưởng lợi rất lớn từ quá trình hội nhập, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các phân khúc nhà ở như hậu cần (kho bãi và nhà xưởng), mặt bằng bán kẻ, văn phòng, căn hộ cho thuê… được hưởng lợi sớm nhất từ TPP, đồng thời thị trường nhà ở thuộc phân khúc cao cấp dành cho khách ngoại cũng nóng dần lên.
(Vnexpress)