Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán liên tiếp lao dốc khiến tài sản của các nhà đầu tư nước này trượt dốc theo. Theo các chuyên gia phân tích, người dân Trung Quốc được dự báo sẽ chuyển vốn từ chứng khoán sang thị trường bất động sản (BĐS) thế giới một lần nữa để bảo toàn tài sản của mình.
Giới 'đại gia' chứng khoán Trung Quốc đã trải qua những ngày đầu năm mới đầy khó khăn. Minh chứng là, thị trường liên tiếp giảm điểm và thậm chí đã phải tạm ngừng giao dịch chỉ sau 29 phút mở cửa, trong vòng 25 năm qua, đây là ngày giao dịch ngắn nhất. Vậy nhưng, 'cơn hoảng loạn chứng khoán' này đang được coi là dấu hiệu của một làn sóng đầu tư địa ốc thế giới mới trong năm nay của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hãng tin News1130 của Canada cho hay, giới đầu tư Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các thị trường nhà đất 'hót' nhất thế giới như Vancouver trước khi đồng nhân dân tệ mất giá sâu hơn nữa.
Giới đầu tư Trung Quốc chuyển hướng dòng vốn từ chứng khoán sang địa ốc.
(Nguồn ảnh: property-report.com).
Không riêng gì Canada, thị trường BĐS Australia, Anh và Mỹ cũng được dự báo sẽ chứng kiến một đợt tấn công của các nhà đầu tư Trung Quốc với mục đích tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản.
Vào tháng 7/2015, giá cổ phiếu trên thị trường Thượng Hải giảm 20% trong vòng 1 tháng, không ít nhà đầu tư đã quyết định từ bỏ kênh đầu tư này. Khoảng 360 tỉ nhân dân tệ (58 tỷ USD) đã được rút khỏi thị trường chứng khoán trong 5 tháng đầu năm 2015, con số này tăng vọt so với mức 190 tỉ nhân dân tệ (30.5 tỉ USD) trong cả năm 2014 và số tiền này đang dần được chuyển vào thị trường địa ốc quốc tế.
Trưởng bộ phận nghiên cứu của Knight Frank tại London, ông Tom Bill cho rằng: “Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy khách Trung Quốc sau cơn khủng hoảng chứng khoán đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường BĐS toàn cầu nhằm tìm kiếm thiên đường an toàn".
Thị trường địa ốc London không phải là nơi duy nhất nhận được sự quan tâm của giới đầu tư Trung Quốc. Số lượng BĐS thuộc sở hữu của các đại gia từ Trung Quốc đại lục đang tăng lên nhanh chóng tại những thành phố như Melbourne, Sydney, Paris, New York, bất chấp những chính sách hạn chế sở hữu nước ngoài của một số quốc gia, điều này làm dấy lên những mối quan ngại về bất ổn chính trị - xã hội trong các cộng đồng địa phương.
Một báo cáo mới đây của Reuters cho hay, có khoảng 91.000 người dân Trung Quốc đã tìm cách nhập quốc tịch thứ hai trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2014 với đa số là Anh, Mỹ, Hong Kong và Singapore.
(Nhịp sống thời đại)