Thông tin thị trường

Chủ đầu tư thế chấp dự án là chuyện bình thường

23/06/2016 - 03:22

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty Luật ATIM tại buổi tọa đàm "Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư" được Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức sáng nay (23/6) tại Tp.HCM.

Trong buổi tọa đạm, xoay quanh những vấn đề liên quan tới việc chủ đầu tư thế chấp dự án vay ngân hàng, theo ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty Luật ATIM, chuyện này là bình thường bởi tất cả chủ đầu tư đều phải vay vốn ngân hàng. Dĩ nhiên, họ thế chấp dự án hình thành trong tương lai. Hơn nữa, Luật cũng đã có quy định điều kiện thế chấp.

Điều kiện thế chấp là chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đó tùy trường hợp người mua và ngân hàng đồng ý. Chủ đầu tư muốn bán nhà đó cho người mua thì phải giải chấp căn nhà đó vì nhà đang bán không thể thế chấp được. Thỏa thuận các bên như thế nào là tùy thuộc nhưng điều kiện của Luật là phải giải chấp căn hộ đó. Đơn cử như trường hợp của Harmora vừa rồi là sai quy định. Việt Nam hiện còn thiếu chế tài đủ răn đe các chủ đầu tư vi phạm, ông Hiền cho biết.

thế chấp dự án
Người mua nhà nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến bảo lãnh hoặc thế
chấp dự án. 
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Làm rõ hơn câu chuyện thế chấp dự án, Giám đốc Công ty Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa cho hay, hiện nay hầu như 90% dự án đều thế chấp để huy động vốn từ ngân hàng. Chắc chắn hợp đồng thế chấp sẽ ghi rõ là đất và nhà ở hình thành trong tương lai, cùng với đó sẽ có điều khoản cho bán dự án để thu tiền trả nợ ngân hàng. Tuy nội dung thỏa thuận thế chấp đã rõ nhưng vấn đề là giám sát đến đâu.

Theo ông Nghĩa: "Căn hộ 1 tỷ đồng nhưng vay hồ sơ 100 triệu đồng (căn hộ hình thành trong tương lai), nhà băng phải có giấy loại trừ căn hộ đó ra khỏi danh sách để tránh thế chấp lần 2. Trường hợp xảy ra thế chấp lần 2 là do ngân hàng giám sát không kỹ. Pháp luật hiện nay đã có quy đình đầy đủ, nhưng vấn đề là giám sát đến đâu thôi.

Trong khi đó, ông Trung Kiên (Công ty Danh Khôi Á Châu) cho rằng, tất cả dự án đều thế chấp nhưng vấn đề giải chấp đối với đơn vị phân phối không được đề cập đến. Các đơn vị phân phối chỉ biết dự án đã có thế chấp song việc giải chấp bao nhiêu, căn hộ nào lại chưa nắm được. Chính vì vậy, chủ đầu tư và ngân hàng chưa quyết định rạch ròi nên dẫn đến tình trạng như vừa qua. Người mua nhà chỉ cần 100-200 triệu đặt cọc thì họ lại sẵn sàng bán lại để thu lời. Do đó, cần phải có đơn vị đánh giá thông tin để giúp người mua có niềm tin hơn vào thị trường.

Sau khi lắng nghe các ý kiến nêu trên, ông Phan Trường Sơn - Trung tâm Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Tp.HCM lưu ý người mua nhà nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến bảo lãnh hoặc thế chấp của dự án. Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ đầu tư đã thế chấp rồi thì phải giải chấp nếu muốn bán căn hộ. Khách hàng cần lưu ý, bảo lãnh của ngân hàng là đối với các dự án đã thế chấp và bảo lãnh cho khách hàng tiến độ dự án. Theo đó, khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết thì ngân hàng phải trả lại tiền cho người mua.

(Người đồng hành)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm