Tính từ đầu năm đến nay, trên các trang đấu giá tại Trung Quốc, số lượng đăng bán bất động sản đã vọt lên mức kỷ lục 1.300 tỷ Nhân dân tệ (190 tỷ USD).
Tại Trung Quốc hiện nay, một người không cần ra ngoài vẫn có thể tìm và mua bất động sản từ biệt thự 3 tầng tại Trùng Khánh đến nhà máy cũ ở tỉnh Giang Tô.
Tờ South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đang bùng nổ xu hướng bán bất động sản qua mạng với sự nhập cuộc của các quỹ toàn cầu như Bain Capital LP và Oaktree Capital Group LLC. Ngay cả các công ty nhỏ hay các cá nhân cũng có thể tham gia mua bán trực tuyến.
Theo tờ South China Morning Post, những tin đăng thanh lý các sản phẩm bất động sản "xấu" - đang bị quá hạn trả nợ trên trang đấu giá Taobao của Alibaba Group Holding chiếm số lượng lớn nhất tại Trung Quốc. Sau khi công ty này mở rộng hợp tác với các hãng quản lý tài sản và tòa án, tỷ lệ này đã tăng 88% trong tháng 10 so với năm ngoái.
|
Xu hướng mua nhà qua mạng đang bùng nổ tại Trung Quốc |
Theo dữ liệu từ hãng bất động sản Seatune show, lượng đăng bán bất động sản trên tất cả các trang đấu giá tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 1.300 tỷ Nhân dân tệ (190 tỷ USD) từ đầu năm đến nay.
Các nhà phân tích cho rằng, có xu hướng này là do Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nợ xấu. Các công ty bất động sản, ngân hàng và người dân đang gánh nợ phải thanh lý gấp tài sản để lấy tiền mặt.
James Feng, Chủ tịch của quỹ đầu tư Trung Quốc Poseidon Capital Group cho biết: "Khi mà nợ xấu tăng lên còn giá bất động sản giảm, chắc chắn xu hướng này sẽ còn tiếp tục".
Năm 2017, Alibaba với sàn Taobao đã xử lý các vụ đấu giá bất động sản thanh lý như vậy với tổng giá trị khoảng 500 tỷ Nhân dân tệ, chiếm hơn một nửa tổng số trên cả nước, Feng ước tính.
Người mua nhà chọn mua qua mạng một phần vì dễ chọn được tài sản có giá hời. Hồi tháng 9, một căn hộ 2 phòng ngủ tại Thượng Hải có giá thị trường khoảng 10 triệu Nhân dân tệ nhưng được bán trên Taobao với giá thấp hơn 44%. Hay một căn hộ có sàn bằng đá cẩm thạch tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang giá 60 triệu Nhân dân tệ được đăng bán với giá thấp hơn khoảng 40%.
Giá đăng bán thanh lý nhà, đất hoặc nhà xưởng thường chỉ bằng 2/3 giá thị trường. Trong một số vụ đấu giá căng thẳng, giá bán có thể cao hơn giá thị trường đến 90%. Nhưng theo công ty Zheshang Asset Management Co. ở Chiết Giang, chỉ có khoảng 40% tài sản đấu giá thực sự được bán.
Mặc dù vậy, khi nợ xấu bất động sản Trung Quốc ngày càng tăng, cơ hội được dự báo sẽ còn nhiều hơn. Báo cáo hồi tháng trước của PricewaterhouseCoopers LLP cho thấy, bất động sản làm gia tăng thị trường nợ xấu 1.400 tỷ USD của Trung Quốc khi chiếm tới 80% tổng số các khoản vay.
Người mua muốn tham gia đấu giá phải đặt cọc trước một khoản. Trang đấu giá của Alibaba không thu phí hoa hồng và hỗ trợ dịch vụ từ bên thứ 3 như hồ sơ từ công ty luật. Các tòa án địa phương có thể cung cấp địa chỉ, diện tích, hình ảnh, giá ước tính của tài sản được đấu giá.
Hình thức mua nhà qua mạng đang rất được quan tâm, nhất là những người đang muốn có nhà tại các thành phố lớn của Trung Quốc, nơi giới hạn số bất động sản một người được sở hữu.
Thượng Hải là thành phố cấp 1 duy nhất của Trung Quốc không tính các giao dịch thanh lý trên vào nhóm bị giới hạn sở hữu. Đây cũng là nơi dẫn đầu về lượng mua bán nhà trực tuyến.
Mặc dù vậy, những giao dịch này vẫn tiềm ẩn rủi ro. Người mua bất động sản qua mạng sẽ phải chịu thuế lớn vì chi phí này không tính vào giá bán. Một người đàn ông ở Thâm Quyến mua căn nhà giá 3,7 triệu Nhân dân tệ hồi tháng 3 thông qua đấu giá trực tuyến phải chịu thêm 2,4 triệu Nhân dân tệ tiền thuế các loại.
(Vneconomy)