Thống kê của Đầu tư Bất động sản (BĐS) cho biết, tại khu vực phía Nam, chỉ trong vòng 7 tháng qua đã có 16 thương vụ nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào các doanh nghiệp hoặc dự án BĐS với giá trị từ 5 triệu USD/thương vụ trở lên.
So với năm 2014, con số này là một sự đột biến. Trong khi chưa kể đến những khoản đầu tư nhỏ, song “góp gió thành bão” của Việt kiều và người nước ngoài mua nhà đất để sở hữu hoặc kinh doanh. Phải nói rằng, đây là một trong những nguyên nhân cả tâm lý và thực chất khiến BĐS Tp.HCM và phụ cận nóng lên chứ không phải do chủ đầu tư bắt tay với “cò” thổi giá như một vài đồn đoán. Vì hiện tại, thị trường đã quá đa dạng để cò có thể tiết cung đẩy cầu.
Thời gian qua, dòng vốn ngoại tấp nập đổ vào thị trường Việt Nam
Về việc dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS trong thời gian qua, có thể kể đến một số thương vụ điển hình như sau:
Qũy đầu tư Nhật Bản Creed Group đã đầu tư 200 triệu USD tiền thật vào An Gia Investment. Tiền thật bởi họ “chia chác” rất cụ thể khoản đầu tư: 20 triệu USD mua lại cổ phần còn 180 triệu USD đầu tư vào các dự án nhà ở với tỷ lệ 50% trên tổng vốn đầu tư dự án.
Trước đó, vào năm 2014, quỹ này cũng đã “bơm” 100 triệu USD cho CTCP Đầu tư 577 để phát triển City Gate Towers. Hiện đây là dự án khu phức hợp có quy mô trên 1 nghìn căn hộ.
Bằng thương vụ này, Creed Group trở thành nhà đầu tư ngoại đầu tiên “tấn công” vào phân khúc nhà giá rẻ và sau việc hợp tác với An Gia Investment, những lời phát biểu đầy kỳ vọng của Chủ tịch Quỹ ông Toshihiko Muneyoshi cho thấy họ vẫn chưa dừng tham vọng thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Creed Group đánh giá về thị trường Việt Nam: “…đang đứng trước nhiều cơ hội. Chính phủ đang đàm phán gần xong Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế. Mặt khác, còn có những thuận lợi như dân số đông và trẻ, tập trung sống chủ yếu ở đô thị; chính sách pháp luật thông thoáng mở cửa cho người nước ngoài mua nhà; quỹ nhà ở còn khiêm tốn;…”. Với những thuận lợi đó, một tổ chức chỉ chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ không dừng lại, không bỏ qua cơ hội đầu tư nào.
Trên thực tế, những thương vụ như trên thời gian qua không là cá biệt. Minh chứng là, mới đây quỹ đầu tư Mỹ Global Emerging Market cũng đã cam kết sẽ rót 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân. Hoặc Gaw Capital Partners, đơn vị quản lý quỹ có trụ sở tại Hong Kong trong tháng 6 đã mua 4 dự án địa ốc do Quỹ Indochina Land Holdings 2 thực hiện. Còn Vinacapital đã “bơm” vào Novaland 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của doanh nghiệp này. BĐS Khang Điền đã kín room ngoại với một loạt tên tuổi có tiếng là cổ đông lớn như Vinacapital (sở hữu 21%), Mutual Fund Elite, Dragon Capital (16%), …
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào BĐS cũng tăng mạnh và hiện đứng thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút FDI với 15 dự án đăng ký mới và tăng vốn, giá trị 1,69 tỷ USD (tính đến 20/7/2015), theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Vậy nguyên nhân nào khiến dòng vốn nước ngoài cấp tập đổ vào địa ốc Việt Nam những tháng qua?
Trong Diễn đàn M&A 2015 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital ông Nguyễn Vĩnh Trân lý giải, đó là sự tăng trưởng nhu cầu nhà ở của tầng lớp trung lưu hay của giới trẻ và những thay đổi về chính sách mua nhà đối với người nước ngoài đã tạo ra đợt sóng trong lĩnh vực M&A BĐS có sự tham gia của khối ngoại.
Đây là một xu hướng đáng mừng. Tuy nhiên, chỉ có điều thắc mắc rằng, hầu hết các thương vụ “kết duyên” vốn ngoại với thị trường địa ốc nhiều tháng qua đều xuất hiện tại phía Nam mà vắng bóng BĐS phía Bắc.
Chúng tôi đã thử đi tìm lý giải ở nhiều chủ đầu tư BĐS phía Bắc và hầu hết nhận được những cái lắc đầu than thở về thủ tục hành chính nhiêu khê khiến các nhà đầu tư ngoại chùn bước mặc dù đã qua vài lần… dạm hỏi, hay cho rằng thị trường địa ốc phía Nam hồi phục trước phía Bắc nên nhà đầu tư ngoại quan tâm hơn cũng là điều dễ hiểu?
Vậy nhưng, có một ý kiến mang tính “tự trào” của Chủ tịch CTCP Reenco Sông Hồng ông Nguyễn Thế Điệp rằng, ngoài việc chậm cải cách hành chính và thị trường phát triển không ổn định, hiện nhiều chủ đầu tư tại Hà Nội dù đang “sống dở chết dở” với dự án, song vẫn mang tâm lý đắt bán chơi, còn rẻ để ngắm. Hoặc nếu đang ăn nên làm ra thì… kiêu lắm. Nhiều đối tác tiềm năng đã quay lưng bởi sự “khủng khỉnh” thiếu mặn mà này.
Quan điểm này có lẽ đáng để nhiều chủ đầu tư BĐS phía Bắc suy nghĩ!
(Đầu tư Chứng khoán)