Cầu Nhật Tân đã hoàn thành, sắp đến thời điểm hợp long. Sự kiện nay được coi là "cú hích" về hạ tầng, khiến cho giá đất xung quanh cây cầu và đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài tăng lên.
Hạ tầng không khiến BĐS Đông Anh tăng giá
Giới môi giới đất khu vực này đều đưa ra khẳng định giá đất đang "sốt" hoặc tăng manh. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ sẽ thấy kịch bản này không có nhiều cơ sở thuyết phục.
Hạ tầng chung chưa thực sự hấp dẫn dù có cầu đường
Trong khi trục Thăng Long - Nội Bài có hạ tầng khá đồng bộ, gồm siêu thị Metro, các KCN Thăng Long, KCN Đông Anh, KCN Quang Minh đều đã lấp đầy thì trên trục Nhật Tân - Nội Bài vẫn trống trơn các hạng mục công trình công cộng. Hiện nay, đi từ Đông Anh đến trung tâm Hà Nội sẽ mất trung bình 10-15km và phải đi liên tiếp, không có điểm dừng.
Khu vực nội thành Hà Nội, cụ thể là ở hai phường Phú Thượng và Nhật Tân duy nhất có dự án Ciputra Mall trong quy hoạch, tuy nhiên, sau 4 năm đến nay dự án vẫn chỉ là bãi sắt vụn, chưa biết khi nào mới hoàn thành. Điểm nhấn là KĐT Ciputra tuy đẹp và hiện đại bậc nhất nhưng lại khá biệt lập trong kết nối không gian với khu dân cư bên ngoài.
Chị Thu Hồng, một khách hàng từ Hải Dương đang có ý định mua đất tại khu vực cầu Nhật Tân để "đón lõng" cho biết đang cân nhắc lại quyết định đầu tư ở thời điểm này. Theo chị, nếu mua đất ở chân cầu nằm về phía nội thành khì cũng khó, bởi giá khu này đã cao, giờ lại càng cao thêm sau khi cầu hoàn thành. Còn nếu mua ở chân cầu về phía Đông Anh thì hạ tầng lại chưa đồng bộ, hấp dẫn, tất cả những viễn cảnh đầu tư mới chỉ do môi giới vẽ ra.
Quỹ đất tại Đông Anh còn nhiều, giới đầu cơ mắc cạn
Anh Thắng, nhân viên môi giới một sàn giao dịch BĐS tại Đông Anh cho biết, văn phòng anh đang nhận ký gửi bán hộ các mảnh đất của các hộ dân. Số hồ sơ đã xếp thành chồng từ mấy năm nay do không có người hỏi đến.
Nguyên nhân là do những năm 2009 - 2010, giá đất đã bị đẩy lên quá cao. Hậu quả là sau đợt sốt đất đó, giá đã giảm đến 50%, người mua sau cùng bị mắc cạn, khó khăn càng khó khăn hơn khi thị trường BĐS "đóng băng".
Anh Thắng cho biết: “Trong hai năm vừa qua, các nhà đầu tư đã tìm mọi cách cắt lỗ nhưng tìm mỏi mắt khách hàng, lượng giao dịch thành công rất ít”.
Mặt khác, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài có chiều dài khá lớn, lên tới 12,1km và chạy dài qua các làng xã nên quỹ đất còn rất nhiều. Anh Thắng phân tích: “Một nguyên lý rất cơ bản là nguồn cung có thiếu thì cầu mới tăng. Quỹ đất còn nhiều thì không có lý do gì nhu cầu chưa cao hẳn mà giá đất lại tăng vọt:.
Vẫn trông chờ vào bức ngoặt quy hoạch
Một thông tin liên quan đến quy hoạch rất đáng quan tâm gần đây, đó là việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Diện tích nghiên cứu quy hoạch vào khoảng 2.080ha.
Quy hoạch này nhằm khia thác quỹ đất hai bên tuyến đường một cách hiệu quả. Theo quy hoạch, một số công trình hoặc tổ hợp công trình trong các lĩnh vực trên dọc 2 bên tuyến từ cầu Nhật Tân tới Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài sẽ được xây dựng.
(Báo xây dựng)