Giá đất, giá nhà, giá mặt bằng... đều được hét lên rất cao trong khi giá thực tế thấp hơn rất nhiều. Thậm chí ngay tại những điểm "nóng" nhất, giá tăng cao nhất thì giao dịch thành công cũng rất ít. Vậy ai đã 'thổi' giá đất Tp.HCM?
|
Giá đất ở quận 2, Tp.HCM đang được đẩy lên rất cao so với thực tế. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Những tỉ phú nhà đất ảo
Tối 10/9, nhóm bạn của chị H. cùng có đất ở quận 2 thảo luận rôm rả cả đêm và hẹn "mai làm một chầu ăn mừng" bởi dự án xây cầu bắc qua đảo Kim Cương đã biến cả 5 người bạn trong nhóm thành... tỉ phú.
Trước đó, chị H. dẫn đường link một trang báo nói về dự án xây cầu qua đảo Kim Cương làm giá đất quận 2 “nóng rẫy”, rồi tính toán, chị có mảnh đất 270m2 (2 nền đất sát nhau) tại Bình Trưng Tây (quận 2). Với giá được các "cò" đất, các công ty môi giới BĐS ở khu vực này “hét” lên 100 triệu đồng/m2, chị H. vui mừng: "Trúng rồi, nhờ cây cầu, em có gần 30 tỉ trong tay". Đáng nói là trước đó chưa đầy 1 tháng, ngân hàng định giá mảnh đất này chưa tới 10 tỉ đồng khi chị H. định thế chấp vay tiền để đầu tư phòng khám của gia đình.
Thực tế, ngay sau khi cây cầu nối đại lộ Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương được tổ chức khởi công, giá đất quận 2 đã được "thổi" lên dữ dội, thậm chí còn cao hơn cả thời điểm sốt đất cách đây 10 năm trước. Theo chị Hạnh, môi giới nhà đất khu vực này, thời điểm sốt đất năm 2007, giá đất tại quận 2 đã tăng một đợt và khi trung tâm hành chính quận 2 dời về đây vào năm 2013 thì giá đất khu vực gần đảo Kim Cương và Thạnh Mỹ Lợi đã tăng lần nữa, lên mức 35 - 50 triệu đồng/m2. Nay khi làm cầu, giá đất đã tăng lên khoảng 100 triệu đồng/m2. Như đường Tạ Hiện đang có giá 95 triệu/m2, đất đường Lê Hiến Mai có giá 83 triệu/m2, đất tại đường Trương Văn Bang giá 113 triệu/m2, thậm chí giá đất mặt tiền của một số tuyến đường khu trung tâm hành chính quận 2 và gần đảo Kim Cương đang dao động 110 - 120 triệu/m2. Số liệu nghiên cứu thị trường từ một công ty BĐS cũng cho biết, giá trị BĐS tại một số tuyến đường phường Thạnh Mỹ Lợi và phườngBình Trưng Tây quanh khu vực đảo Kim Cương (quận 2) có xu hướng tăng cao trong suốt 8 tháng qua, từ đó thiết lập một mặt bằng giá mới cục bộ ở khu vực này.
Tuy nhiên mọi việc không hề “ngon ăn” như vậy. Anh N. có mảnh đất diện tích 165m2 ở Bình Trưng Đông vui mừng khôn xiết khi nghe nói khu này hiện giá 45 triệu đồng/m2 mà “không có để mua”, trong khi trước đó anh rao bán 30 triệu đồng/m2 vẫn ế. Bất chấp lời can ngăn của nhiều người chờ giá tăng thêm, anh N. quyết định nhờ môi giới bán gấp mảnh đất với giá 45 triệu đồng/m2, thế nhưng cả tuần trôi qua vẫn không bán được. Anh hạ xuống 42, 40 rồi 35 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không ai mua.
Dùng hàng rong, trà sữa “tạo sóng” thị trường nhà đất
Suốt thập niên qua, cơn sốt giá nhà đất hoành hành liên tục tại phân khúc đất nền, căn hộ, căn hộ thương mại, căn hộ nghỉ dưỡng... nhưng nhà phố trong đô thị hiện hữu vẫn luôn đứng ngoài lề nóng lạnh của thị trường bởi có rất ít sự thay đổi về số lượng hay hạ tầng, nhất là trong khu vực trung tâm. Rất khó để có thể tưởng tượng hàng rong, quán trà sữa, những món ăn vỉa hè lại là cái cớ để tạo ra sóng giá đất ở thị phần này.
Mới đây, khi Tp.HCM công bố phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1), dù chỉ một đoạn đường rất ngắn nhưng thị trường đã nháo nhào với thông tin giá đất khu vực này đang tăng vọt. Cụ thể, giới kinh doanh nhà đất cho hay, tính đến cuối tháng 8/2017, giá nhà đất ghi nhận tại con đường này đã tăng lên gần 382 triệu đồng/m2, tăng 23% so với đầu năm 2017 và tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Tính trong 8 tháng qua, giá đất tại tuyến phố này đã đội lên gần 72 triệu đồng/m2 chỉ vì mấy “gánh hàng rong”. Hay tại đường chuyên doanh “trà sữa” như Ngô Đức Kế (quận 1), cùng kỳ năm ngoái giá đất mặt tiền chỉ ở mức 593,75 triệu đồng/m2 nhưng cùng với số lượng gia tăng của các quán trà sữa, giá đất tại đây đã đạt ngưỡng 762,4 triệu đồng vào tháng 8/2017. "Sốc" hơn là giá đất tại các tuyến đường quanh khu Bùi Viện (quận 1) khi khu phố Tây trở thành phố đi bộ vào 2 ngày cuối tuần. Theo công bố, trong hơn 2 quý vừa qua, tỷ lệ tăng giá đất bình quân tại khu vực này đã đạt mức 34,7%, có những cung đường ghi nhận biên độ tăng giá là từ 50 - 130%. Cụ thể, giá đất tại đường Bùi Viện tăng 59%, được giao dịch ở mốc 508,65 triệu đồng/m2. Thời điểm tháng 1/2017, giá đất tại tuyến đường Đề Thám, thuộc phường Phạm Ngũ Lão, đoạn đi ngang Bùi Viện ở mức 194,8 triệu đồng/m2 thì đến đầu tháng 8/2017 đã chạm mức 450,5 triệu đồng/m2, mức tăng là 131%.
Thế nhưng, chị Nguyễn Thanh Thùy, người vừa bán xong căn nhà trong hẻm, chỉ cách mặt đường Bùi Viện 10m với diện tích 49,5m2 gồm 1 trệt, 1 lầu với giá chưa đến 6,5 tỉ đồng, chia sẻ: “Cũng trầy trật giao dịch gần cả tháng mới có người hỏi mua. Tôi cũng tham khảo giá đất nhiều nguồn rồi, không có chuyện nửa tỉ đồng/m2 đất như thế đâu”.
(Thanh niên)