Theo thống kê báo cáo tài chính quý IV/2015 của 60 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết trên 2 sàn, top 15 doanh nghiệp có doanh số lớn nhất đang nắm giữ trên 88,4% doanh thu thuần và 86% lợi nhuận trước thuế cùng 75,5% tổng tài sản toàn nhóm.
Cụ thể, 15 doanh nghiệp này đang nắm giữ đến 81,5% lượng tiền và 75% tổng tài sản của 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết, tuy nhiên chỉ giữ 66% phải thu và 65% hàng tồn kho tại ngày 31/12/2015. Các doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận gồm VIC, NLG, FLC và HQC.
Về doanh thu thuần, top 15 tạo ra 21.571 tỷ đồng doanh thu trong quý IV/2015, tương đương khoảng 963 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2014 đã tăng 81%.
5 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh số gồm Vingroup (VIC), Nam Long (NLG), FLC (FLC), Hà Đô (HDG) và Hoàng Quân (HQC), chiếm tới 73% doanh thu của toàn nhóm BĐS niêm yết.
15 doanh nghiệp BĐS có doanh số lớn nhất đang nắm giữ trên 88,4% doanh thu
thuần và 86% lợi nhuận trước thuế cùng 75,5% tổng tài sản toàn nhóm.
Thực trạng trên phản ánh đúng thực tế thị trường địa ốc là phân khúc BĐS du lịch, BĐS nhà ở hạng khá và cao cấp đang hút hàng bên cạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội tiêu thụ tốt.
Xét về lợi nhuận, 15 doanh nghiệp lớn nhất trên 2 sàn đang tạo ra trên 3.329 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 3 tháng cuối năm 2015, tương đương khoảng 149 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng hơn 100%.
5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất gồm VIC, HQC, FLC, Kinh Bắc (KBC) và NLG. Trừ HQC có lợi nhuận tăng đột biến (xấp xỉ 22 lần) nhờ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, Tập đoàn FLC dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận của top 5 với mức tăng 206% so với cùng kỳ năm 2014.
Về chất lượng tài sản, 15 doanh nghiệp này đang nắm giữ tới 75,5% tổng tài sản toàn nhóm, tương đương 211.813,5 tỷ dồng tại ngày 31/12/2015 (gần 9,46 tỷ USD), so với hồi đầu năm đã tăng 51%. Những doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất gồm VIC, KBC, FLC, Khang Điền (KDH).
Top 15 đang nắm giữ tới 81% lượng tiền của toàn nhóm công ty BĐS niêm yết tại ngày 31/12/2015, đạt mức 11.732 tỷ đồng (khoảng 524 triệu USD) so với đầu năm đã tăng 8,2%.
Song, xét về hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn, dài hạn, 15 doanh nghiệp đang giữ 65% giá trị hàng tồn kho, tương đương 55.188 tỷ đồng (2,46 tỷ USD) so với hồi đầu năm đã tăng 56%. Các doanh nghiệp đang giữ hàng tồn kho lớn nhất gồm VIC, KDH, KBC, NLG và SJS.
Mặt khác, top 15 cũng đang giữ tới 66,2% giá trị khoản phải thu ngắn và dài hạn tại ngày 31/12/2015, con số này tăng 150% so với đầu năm, tương đương 30.227 tỷ đồng (1,35 tỷ USD). Trong đó, VIC tiếp tục dẫn đầu nhóm về số dư khoản phải thu ngắn và dài hạn. Được biết, số dư khoản phải thu tăng mạnh một phần do ảnh hưởng của Thông tư 200.
Còn về nợ vay, top 15 doanh nghiệp BĐS lớn nhất 2 sàn đang vay 45.937 tỷ đồng 9khoảng 2,05 tỷ USD), so với đầu năm đã tăng 4,7%.
Đồng thời, mức tăng 4,7% là cao hơn mức chung của toàn nhóm 60 công ty (giảm 3,2%), song lại thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng cho BĐS của cả nước (tăng 11,85%). Như vậy, tín dụng chuyển dịch từ khu vực doanh nghiệp sang cho người vay mua nhà.
Vừa qua, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã có kiến nghị sửa đổi Thông tư 36 thực hiện theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng như chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và theo lộ trình giảm dần.
(Vneconomy)