Gần 93% đại biểu tán thành chủ trương xây dựng siêu dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua trong phiên bỏ phiếu sáng 25/6/2015.
Theo đó, trong số 461 đại biểu tham gia bỏ phiếu có 428 ý kiến tán thành, có 17 đại biểu không đồng ý và 16 người lựa chọn bỏ phiếu trống. Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần 93%.
Theo nội dung của báo cáo giải trình, để tiếp thu ý kiến đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phần đa ý kiến phát biểu tại hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Thậm chí, một số ý kiến còn đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào khai thác.
Phối cảnh mô hình sân bay Long Thành (ảnh: ACV)
Tuy nhiên, đại biểu yêu cầu tăng tính minh bạch, công khai, tính chịu trách nhiệm, cần có giải pháp tiết kiệm nhằm chống lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư. Đồng thời ngăn chặn lợi ích nhóm chi phối quá trình triển khai, để bảo đảm suất đầu tư, công nghệ, chất lượng cũng là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Với mục đích bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Nội dung dự thảo nghị quyết về dự án trình Quốc hội sáng nay nêu rõ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, nhằm hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực Đông Nam Á.
Theo thiết kế, sân bay Long Thành có công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất 3 giai đoạn vào năm 2050.
Phân tải bay miền Nam sau khi hoàn thành
Được biết, khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD nếu áp dụng đơn giá của năm 2014). Cụ thể, trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).
Công trình này được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn doanh nghiệp cùng các loại vốn khác.
(Vnexpress)