Quản lý - Quy hoạch

Những lỗ hổng trong đấu giá 'đất vàng' khiến nhà nước thiệt hại

21/12/2015 - 11:31

Tại Hà Nội và Tp.HCM, hàng loạt vụ bán đấu giá tài sản nhà nước, chủ yếu là bất động sản trên các khu đất vàng bị phản ánh có dấu hiệu tổ chức khép kín, gây ra thiệt hại lớn cho Nhà nước. Những lỗ hổng pháp lý trong quy định về bán đấu giá tài sản là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Các vụ đấu giá 'đất vàng' có dấu hiệu bất ổn

Hồi tháng 3/2015, 3500m2 'đất vàng' và tòa khách sạn 11 tầng tại số 120 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) được bán đấu giá với giá khởi điểm 49 tỷ 885 triệu đồng. Đã có hai cá nhân tham gia phiên đấu giá, trong đó người thắng cuộc đưa ra mức giá cao hơn giá khởi điểm chỉ 1 bước giá. Báo giới đã vào cuộc, chỉ ra những dấu hiệu bưng bít thông tin về phiên đấu giá của CTCP Đấu giá Thành An, phía Vigecam đã ra quyết định hủy kết quả phiên đấu giá này.

Tương tự, phiên đấu giá nhà đất tại số 164 Trần Quang Khải (trụ sở Vigecam hiện nay) cũng phải tạm dừng vì Công ty tổ chức đấu giá có dấu hiệu vi phạm các quy định về bán đấu giá tài sản.

Công ty Thành An tiếp tục bị hủy hợp đồng đấu giá khu nhà đất tại số 3 Đặng Thái Thân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tháng 5/2015 do hạn chế bán hồ sơ đấu giá cho các khách hàng.

Và gần đây nhất là bất thường trong việc đấu giá nhà và đất tại số 30 phố Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội) của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuối tháng 11/2015. Được biết, khối tài sản nhà và đất trên có diện tích 1265,3m2 song chỉ có giá khởi điểm trên 23,3 tỷ đồng. CTCP Đấu giá tài sản Goldsun là đơn vị tổ chức bán đấu giá đã đặt ra một loạt điều kiện đối với khách hàng muốn tham gia đấu giá và hạn chế bán hồ sơ đấu giá cho khách hàng.


Tòa nhà số 3 Đặng Thái Thân, Hà Nội

Như vậy, vấn đề đặt ra là, có bao nhiêu vụ bán đấu giá tài sản nhà nước cũng bị tổ chức khép kín như vậy đã trót lọt và có kẽ hở pháp lý nào khiến các công ty tổ chức đấu giá có thể lợi dụng để tiếp tay cho các hành vi trục lợi tài sản nhà nước?

Lỗ hổng pháp lý

Công tác bán đấu giá tài sản Nhà nước hiện nay được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Thực tế cho thấy, Điều 28 quy định về việc niêm yết và thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản đang có nhiều điểm bất hợp lý.

Theo đó, Nghị định yêu cầu đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên và BĐS thì đồng thời với việc niêm yết và tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Cùng đó, thời hạn thông báo công khai chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá.

Nhằm tránh tình trạng công ty tổ chức đấu giá hạn chế khách hàng tham gia đấu giá thì cần có quy định cụ thể về thời gian bán và nhận hồ sơ tham gia đấu giá.

Tại vụ việc số 3 Đặng Thái Thân, CtyThành An chỉ bán hồ sơ từ 14h-16h ngày 14/5/2015 tại trụ sở của Công ty ở số 226 Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Phải đưa giấy giới thiệu mới được mua hồ sơ, lấy số thứ tự và chờ tới khi nhân viên Thành An đọc đến số mới được vào làm thủ tục mua hồ sơ. Số thứ tự phát ra trên 80 nhưng chỉ có 30 số đầu tiên được mua hồ sơ, việc này khiến rất nhiều doanh nghiệp chờ chực vài tiếng đồng hồ tại trụ sở Công ty vẫn không mua được hồ sơ tham gia phiên đấu giá.

Theo quy định tại Điều 30, người không có quyền mua tài sản bán đấu giá chỉ chung chung là người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo luật định. Trong vụ việc bán nhà đất số 30 đường Tô Hiệu (quận Hà Đông), phía Goldsun đã đặt ra nhiều điều kiện đối với khách hàng, ví dụ như phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư (bản sao), hồ sơ năng lực, giấy giới thiệu, danh mục các dự án mà khách hàng đang thực hiện. Theo dó, Công ty Goldsun đã thẳng thừng loại trừ khách hàng cá nhân cũng như nhiều doanh nghiệp khác bởi các tiêu chí trên không có định lượng để chấm hồ sơ.

Bên cạnh đó, khoản tiền đặt trước khi tham gia đấu giá tài sản cũng là mối lo ngại của các doanh nghiệp. Điều 29 Nghị định 17 quy định rằng, khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quyết định, tuy nhiên tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Đồng thời, khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

Đối với các BĐS có giá trị cao, điển hình như nhà đất số 3 Đặng Thái Thân có giá khởi điểm gần 100 tỷ đồng thì người tham gia đấu giá phải đặt trước gần 15 tỷ đồng cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp đất vàng có sức hút lớn, với gần 90 người tham gia mua hồ sơ và đều đặt trước số tiền theo yêu cầu của công ty đấu giá, dĩ nhiên số tiền có thể lên tới vài trăm tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ đảm bảo cho sự an toàn của số tiền đặt trước? Trong khi đó, Nghị định 17 chỉ quy định chung rằng doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản phải có đủ các điều kiện như sau: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên; có cơ sở vật chất, trụ sở, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản.

(Báo Đầu tư Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm