Tuy quy hoạch là điều kiện cấp phép quan trọng nhất nhưng Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ nay trở đi mặc dù có quy hoạch rồi song nếu như có vấn đề phản cảm thì Sở vẫn sẽ báo cáo UBND TP để hạ thấp độ cao xuống…
Trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề quản lý đô thị, đất đai, nhà ở của HĐND TP Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Đình Dương chất vấn tới Giám đốc Sở Xây dựng về giải pháp khắc phục dứt điểm nhà siêu méo, siêu mỏng trên địa bàn TP. Vị đại biểu này cũng đề cấp đến tình trạng hàng loạt nhà cao trên 20 tầng được xây sát vỉa hè trên tuyến Lê Văn Lương kéo dài có đúng quy định hay không?
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, hiện nay vẫn còn nhà siêu méo, siêu mỏng vì khi xây dựng tuyến đường không thể tránh khỏi cắt xén và không thể có chỉ giới răng cưa.
Ông Lê Văn Dục thông báo, trong trường hợp nhà cao tầng phản cảm thì dù đã có quy hoạch Sở vẫn sẽ báo cáo Hà Nội hạ thấp độ cao xuống.
Thống kê cho thấy, trên các tuyến đường Vành đai 1, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, những tuyến đường mới hiện nay… đã xuất hiện tổng cộng 521 mảnh đất siêu méo, siêu mỏng. Hiện Thanh tra xây dựng cùng đội thanh tra xây dựng quận và phường phối hợp phải giữ được những mảnh đất này, rồi xem xét từng mảnh đất một cách kỹ càng để xem mảnh đất nào được xây dựng, đất nào được hợp khối, đất nào cần thu hồi,... ông Dục cho hay.
Vị này cũng cho biết: “Sau khi Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng 6 huyện, 12 quận đã giải quyết được chỉ còn 253 mảnh đất và vẫn giữ được những mảnh đất không thể xây dựng. Còn đối với 166 nhà đã xây dựng ổn định an toàn cho người dân và đảm bảo chỉnh trang đô thị, Sở Xây dựng sẽ mạnh dạn trình UBND TP đưa ra khỏi danh sách để xóa dần đi".
Về việc nhiều tòa nhà cao trên 20 tầng sát vỉa hè, phản cảm, ông Dục cho biết Sở xin tiếp thu tuy Sở cấp phép xây dựng, mà quy hoạch cho phép là điều kiện quan trọng nhất để cấp phép.
Nếu nhà cao tầng phản cảm dù đã có quy hoạch, Sở Xây dựng sẽ báo cáo
Hà Nội hạ thấp độ cao xuống.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay: “Trước khi đặt tay ký cấp phép, Sở Xây dựng cũng thông báo từ nay trở đi mặc dù có quy hoạch rồi nhưng nếu như có vấn đề phản cảm như vậy thì Sở sẽ báo cáo UBND TP để hạ thấp độ cao xuống để chiều cao kết nối hài hòa với chiều ngang”.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP) đặt vấn đề về sự phối hợp với các sở ngành với nhau và sự phối hợp giữa sở ngành với chính quyền quận trong quản lý trật tự xây dựng ở nhiều dự án như 88 Láng Hạ, số 8B Lê Trực, 250 Minh Khai,… đã vi phạm chỉ số quy hoạch, vi phạm xây dựng… khiến báo giới đưa tin, cư dân khiếu nại, kiện cáo chúng ta mới biết.
Ông Nguyễn Hoải Nam chất vấn: “Như vậy là đang có kẽ hở trong cơ chế phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý sai phạm tại các dự án. Vì thế, tôi xin đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng (cũng đã có nhiều năm làm Giám đốc Sở Xây dựng), nguyên nhân nào để xảy ra thực trạng như vậy? Do vướng cơ chế nào mà các ngành chức năng không thể ngăn chặn ngay từ đầu? Giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan quản lý?".
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Nguyễn Thế Hùng, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các sai phạm là do thái độ chấp hành pháp luật không nghiêm của một số chủ đầu tư. Mặt khác, việc giám sát của các bộ máy, tổ chức, lực lượng tham gia quản lý trong lĩnh vực còn chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Chế độ chính sách trong vấn đề quản lý và xử lý sai phạm còn nhiều bất cập, ông Hùng cho biết. TP Hà Nội đã đề nghị Chính phủ hình thành lực lượng thanh tra xây dựng làm sao quản lý có hiệu quả nhất. Sở có lực lượng quản lý trật tự xây dựng hoạt động 24/24h trên toàn địa bàn, tuy nhiên khi Nghị định thanh tra ra đời thì lực lượng thanh tra giờ chỉ còn ở cấp TP, còn huyện, quận mất đi lực lượng trực tiếp. TP mất một khoảng thời gian để chuyển đổi mô hình quản lý, nay đang hoạt động theo mô hình hợp quản, theo đó năng lực hoạt động của thanh tra xây dựng yếu hẳn đi và việc quản lý trực tiếp 24/24h có vấn đề. Vậy nên, Giám đốc Sở đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét lại mô hình này.
Theo ông Hùng, chúng ta đang rất muốn xử nghiêm tất cả các vi phạm xây dựng sai, trong khi Thông tư hướng dẫn Nghị định thanh tra của Chính phủ lại xuất hiện một số tình huống như sai phạm mà không vi phạm quy hoạch thì được phép xác định bằng kinh tế và được phạt cho tồn tại.
Giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc bày tỏ quan điểm: “Khi xuất hiện Thông tư này, TP đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét lại quy định này bởi có thể phù hợp với nơi khác nhưng không phù hợp với Hà Nội vì sẽ khuyến khích việc xây dựng sau đó yêu cầu cơ quan quản lý hợp thức hóa lại cho việc đó, đây là vấn đề bất cập của chính sách".
(Infonet)