Quản lý - Quy hoạch

"Không khó trong để vay gói 30.000 tỷ đồng"

27/11/2014 - 07:34

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, cho rằng cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng đã và sẽ có nhiều vướng mắc được tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, vay 30.000 tỷ đồng không có gì khó
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, vay 30.000 tỷ đồng không có gì khó

- Thưa ông, trước các ý kiến cho rằng việc giải ngân gói 30.000 tỷ là chậm, khó tiếp cận, NHNN chi nhánh Tp.HCM có đưa ra chỉ đạo gì để đẩy nhanh giải ngân gói này không?

Cần phải đẩy nhanh giải ngân để gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đi vào cuộc sống. Vừa qua, NHNN chi nhánh Tp.HCM đã làm việc với UBND Tp.HCM để chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn Tp.HCM nhanh chóng xác nhận tình trạng nhà ở cho người dân để họ có thể vay vốn gói 30.000 tỷ đồng.

Để xác nhận tình trạng nhà ở của mình dễ dàng hơn, người dân có thể đến UBND các phường, xã vì UBND Tp.HCM đã có chỉ đạo về vấn đề này. Đây là việc mà trước đây người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Về công chứng, hiện đã có Thông tư liên tịch số 01 năm 2014 giữa 4 bộ: Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Tư Pháp và Ngân hàng Nhà nước cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Các hợp đồng mua bán căn hộ, nhà ở trong tương lai của khách hàng đã được các phòng công chứng tiếp nhận.

Các phòng công chứng trên địa bàn Tp.HCM cũng đã nhận được chỉ đạo của Sở Tư pháp Tp.HCM trong vấn đề công chứng nhà ở hình thành trong tương lai.

- Vậy NHNN chi nhánh Tp.HCM có giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng để đẩy mạnh việc giải ngân không, thưa ông?

Đối với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, NHNN Trung ương không có sự phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho mỗi ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia.

Đối với cá nhân, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân ngay nếu hồ sơ hợp lệ. Khi ngân hàng thương mại giải ngân được bao nhiêu thì sẽ vay tái cấp vốn lại từ NHNN Trung ương. Vì vậy vấn đề về vốn không phải là nan giải.

Còn đối với doanh nghiệp bất động sản thì NHNN chi nhánh phải dựa trên các dự án của doanh nghiệp bất động sản được Bộ Xây dựng phê duyệt, sau đó giới thiệu về các ngân hàng thương mại tham gia giải ngân.

Ngân hàng thương mại cần phải hỏi NHNN còn nguồn vốn không trước khi cho vay dự án? Vì nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vay chỉ vào khoảng 9.000 tỷ đồng (chiếm 30% trong 30.000 tỷ đồng).

Nếu không còn nguồn vốn thì ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay theo lãi suất thương mại.

- Hiện nay, trên địa bàn Tp.HCM chỉ có 2 doanh nghiệp bất động sản là Thủ Thiêm và Hoàng Quân được vay gói 30.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng điều kiện vay vốn hỗ trợ quá khó, xin ông cho ý kiến về vấn đề này?

Điều kiện để vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là không khó. Hiện đang để vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, có 2 dự án của doanh nghiệp bất động sản là Nam Long và Sacomreal đang tiến hành xúc tiến với các ngân hàng thương mại.

Điều này cho thấy những doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện sẽ được phép vay và tháo gỡ những khúc mắc có thể tháo gỡ. Từ đầu năm đến thời điểm này, NHNN chi nhánh Tp.HCM đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ vốn. Có thể kể đến trường hợp BIDV không giải ngân được cho các khách hàng của công ty BĐS Hoàng Quân. Việc này đã được xử lý xong. 

- Hiện có một số ngân hàng thương mại cho vay gói 30.000 tỷ đồng rất linh hoạt, ví dụ như Vietcombank ân hạn 3 tháng cho người vay. Vậy trong thời gian tới, NHNN chi nhánh Tp.HCM có kêu gọi các ngân hàng đưa ra hình thức nào để tăng mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hay không?

Để tăng dư nợ cho vay, tăng lượng khách hàng, từng ngân hàng thương mại đều có chính sách riêng của mình. Do vậy, NHNN chi nhánh chưa cần khuyến khích hay kêu thì các ngân hàng cũng đã có chiến lược của mình. Mặc dù là cho vay ưu đãi nhưng cũng là cạnh tranh thị trường.

Vấn đề hiện nay là NHNN Trung ương và Bộ Xây dựng cần ban hành Thông tư hướng dẫn để các ngân hàng bám vào thực hiện giải ngân và triển khai Nghị quyết 61 của Chính phủ.

- Vậy có thể khẳng định nguyên nhân “tắc gói 30.000 đồng” không phải là do thiếu vốn, thưa ông?

Nhìn chung thủ tục hành chính mới là vấn đề chủ yếu. Hiện Nghị quyết 61 đã rất mở để người dân có thể tiếp cận dễ dàng và tăng khả năng trả nợ các khoản vay như: giảm lãi suất cho vay từ 6%/năm xuống còn 5%/năm, tăng thời hạn vay từ 10 năm lên 15 năm. Đồng thời ngoài chỉ có 5 ngân hàng thương mại như hiện nay, chúng ta sẽ mở rộng thêm các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng .

- Xin cảm ơn ông!

Tính đến ngày 15/10, trên địa bàn Tp.HCM gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã ký kết cho vay trên 1.421 tỷ đồng với 1.314 khách hàng. Trong đó, cho 1.312 khách hàng cá nhân vay 763 tỷ đồng, cho 2 khách hàng doanh nghiệp vay 658 tỷ đồng.

Trong đó, đã giải ngân đối với khách hàng là các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ viên chức, công chức, lực lượng vũ trang: vay thuê, mua nhà ở thương mại đạt trên 320 tỷ đồng với 999 khách hàng vay; mua, thuê mua, vay thuê nhà ở xã hội đạt trên 71 tỷ đồng với 313 khách hàng vay.

Trên 327 tỷ đồng đã được giải ngân đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trên 32 tỷ đồng đã được giải ngân đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

 

 

(Infonet)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm