Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục văn bản để ban hành mới, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ và bộ trưởng.
Cụ thể, theo yêu cầu của Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo và ưu tiên tập trung bố trí đủ kinh phí, nhân lực cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản.
Thủ tướng phân công các cơ quan phối hợp, chủ trì soạn thảo 28 nghị định thuộc 4 lĩnh vực xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường; kinh doanh, đầu tư; bổ sung, sửa đổi hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực nhà ở; bổ sung, sửa đổi 22 Thông tư của Bộ trưởng thuộc 3 lĩnh vực: Xây dựng; đất đai; đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung bố trí đủ kinh phí, nhân lực cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở... sẽ được sửa đổi, bổ sung
trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch soạn thảo, thẩm tra, thẩm định trình ban hành đối với từng văn bản trong Danh mục. Mặt khác, phân công trách nhiệm, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan và người đứng đầu được phân công trong việc xây dựng, trình văn bản, đồng thời công khai tiến độ, nội dung công việc, tên chuyên viên đơn vị theo dõi, lãnh đạo phụ trách và kết quả cụ thể từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng không gia hạn thời hạn trình, rút văn bản. Trong trường hợp đặc biệt, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản giải trình, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cử người tham gia soạn thảo, chỉnh lý văn bản. Cùng với đó, theo dõi ngay từ đầu, theo dõi liên tục trong suốt quá trình xây dựng, trình ban hành; nhất là ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, thẩm định các văn bản.
Trường hợp có vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
(Vneconomy)