Quản lý - Quy hoạch

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Tp.HCM tầm nhìn đến năm 2050

26/07/2017 - 01:30

Ngày 25/7, tại Tp.HCM đã diễn ra Hội nghị “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.

Tham gia Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, Tp.HCM cần ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng có tính chất kết nối vùng và liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng Miền Nam (SISP), ông Ngô Quang Hùng đã báo cáo các nội dung chính của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Tp.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của quy hoạch này là phát triển Vùng Tp.HCM trở thành vùng đô thị lớn năng động, bền vững, giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA) và hướng tới quốc tế.

Mặt khác, quy hoạch trên nhằm phát triển Vùng Tp.HCM trở thành vùng kinh tế hiện đại, đóng vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực, trung tâm nghiên cứu khoa học dịch vụ, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu, trình độ chuyên môn hóa cao trong khu vực ĐNA. Vùng Tp.HCM sẽ được phát triển không gian vùng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và cân bằng bền vững. Đặc biệt, Tp.HCM sẽ là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại, trung tâm tri thức ngang tầm với các đô thị trong khu vực ĐNA.

quy hoạch vùng Tp.HCM
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Đũng, đồ án quy hoạch Vùng Tp.HCM đã được nghiên
cứu nghiêm túc, được tiếp thu tối đa các ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đánh giá báo cáo đồ án của SISP, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM, có 4 vấn đề cần phải thực hiện khi quy hoạch liên kết vùng. Cụ thể, giao thông vùng cần được đồng bộ hóa; phối hợp trong đào tạo nhân lực; quản lý sông, nước, chống ngập và vùng ngập mặn, phải tìm được lý do ngập; trong vùng phải có trung tâm tài chính. Ngoài các thành tựu của quy hoạch, cần phải tìm ra lý do giao thông phát triển chậm và tìm cách khắc phục những những nguyên nhân này.

Đồng quan điểm với Bí thư Thành ủy Tp.HCM, đại diện các tỉnh, thành trong Vùng Tp.HCM thống nhất khi điều chỉnh Quy hoạch Vùng Tp.HCM cần tập trung vào việc kết nối giao thông vùng. Đồng thời, cần xác định tầm quan trọng để xác định giá trị đầu tư, nhất là hạ tầng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để quy hoạch sử dụng đất phù hợp khi hình thành các dự án phụ trợ và thực hiện chính sách điều phối đầu tư, thu hút đầu tư.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Tp.HCM, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Quy hoạch điều chỉnh cần làm nổi bật tính chất của Vùng Tp.HCM là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của Quốc gia, là vùng đô thị hóa cao, có chất lượng trong khu vực ĐNA, châu Á Thái Bình Dương, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế”.

Cùng với đó, khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển và phát triển các đô thị du lịch vùng phát triển phía Bắc gắn với trục hành lang Quốc lộ 51 và Quốc lộ 22. Để giao lưu, hội nhập quốc tế, đây là những cửa ngõ quan trọng về cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển. Mặt khác, để phát huy lợi thế của các địa phương trong vùng, cần đánh giá, làm rõ chức năng, vị trí của các tỉnh trong mối liên hệ gắn bó.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ mối liên kết giữa các khu công nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch, văn hóa… theo định hướng các quy hoạch lĩnh vực, ngành đã được duyệt và dự báo các nguy cơ bất lợi khi phát triển. Qua đó, khuyến nghị các địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng vùng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng có tính chất kết nối vùng và liên vùng, góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, mô hình quản lý vùng cần được đổi mới trên cơ sở Quyết định 941/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ ngày 25/6/2015 về thành lập tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm, đồ án cần nghiên cứu, đề xuất thêm các nội dung phù hợp với mô hình quản lý của vùng đô thị lớn nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác thực hiện quy hoạch.

(Báo Xây dựng Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm