Mục đích của việc thiết kế đô thị hai bên tuyến đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng) là nhằm tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường đồng bộ, hiện đại về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng) với tỷ lệ 1/500 thuộc các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến
đường vành đai 2.
Quyết định phê duyệt nểu rõ, tổng diện tích đất lập thiết kế đô thị khoảng 47 ha và chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 3,7km với điểm đầu là nút giao thông cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối ở nút giao thông Ngã Tư Vọng.
Thiết kế có nhiệm vụ phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, các công trình hạ tầng cơ sở đô thị khu vực nghiên cứu thiết kế đô thị tuyến đường, đồng thời đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng, qua đó nâng cao điều kiện sống cho dân cư khu vực và thành phố.
Mặt khác, đề xuất giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian thiết kế đô thị, giải pháp chỉnh trang cảnh quan, kiến trúc các công trình xây dựng hai bên tuyến đường và tại nút giao thông quan trọng (nút giao cầu Vĩnh Tuy, nút giao Ngã Tư Vọng); giải pháp xử lý các công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng nhằm đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường đồng bộ, hiện đại về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Tiến hành xác định mạng lưới đường chính và mạng lưới đường nhánh, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật nổi, ngầm, hạ tầng xã hội, môi trường phù hợp với các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng đã, đang triển khai tại khu vực và tạo sự bền vững, đồng bộ; kết nối các không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh tạo lập sự hài hòa chung khu vực, nhất là khu vực tiếp giáp với các nút giao thông.
Đối với thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan, sẽ điều tra khảo sát, tiến hành thu thập tài liệu, đánh giá tổng hợp hiện trạng về sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, yếu tố lịch sử đặc trưng hoạt động xã hội và cộng đồng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... xác định các quỹ đất hiện có, dự kiến phát triển cho khu vực nghiên cứu.
Công tác đánh giá hiện trạng cần lập bảng biểu và hệ thống sơ đồ, bản vẽ minh họa về số lượng, tương quan tỷ lệ (%) giữa các thể loại công trình, vật thể kiến trúc; chiều cao, khoảng lùi, màu sắc cho các công trình kiến trúc; lượng và chủng loại cây xanh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; cốt cao độ địa hình.
Thực hiện rà soát diện tích các công trình trong và ngoài chỉ giới đường đỏ; công trình không đủ điều kiện xây dựng (siêu méo, siêu mỏng) theo quy định. Tổ chức rà roát và khớp nối các quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, dự án đầu tư tại các lô đất có liên quan hai bên tuyến đường, khớp nối đồng bộ không gian kiến trúc cảnh quan.
(Báo Xây dựng Online)