Việc áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", kéo theo giá bán nhà gia tăng khiến người mua phải gánh thêm.
Thuế GTGT tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% từ ngày 1/1/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ kéo theo mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công, nhận thầu thi công... tăng lên. Điều này sẽ khiến giá bán nhà tăng cao gây áp lực tài chính lên người mua nhà.
Nội dung nêu trên là một trong những kiến nghị sửa đổi các Luật thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.
Cụ thể, đối với dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất, HoREA cho rằng, theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành, “chuyển quyền sử dụng đất” không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng về mặt pháp luật, có lý có tình, phù hợp với thực tiễn, nhất là khi chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất.
Lý do là, tiền sử dụng đất dự án nhà ở cũng tương tự như một khoản thuế. Đây là khoản thu ngân sách nhà nước mà chủ dự án đã nộp. Khi bán nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này) theo quy định tại khoản 6 điều 5 Luật Thuế GTGT.
Trong khi đó, dự thảo Luật dự kiến sẽ áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế". Từ đó, giá bán nhà sẽ tăng lên và người mua nhà sẽ phải gánh thêm. Thế nên, HoREA kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì phù hợp hơn.
Tại khu vực ASEAN, Thái Lan áp dụng thuế suất GTGT 5%, Singapore 7% và Indonesia, Lào, Campuchia là 10%, Hiệp hội thông tin.
Các mức thuế càng tăng cao, người tiêu dùng sau cùng sẽ phải chịu tác động khủng khiếp nhất.
Thị trường địa ốc, nhất là nhà ở sử dụng hàng nghìn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thi công xây dựng. Do vạy, việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên và giá bán nhà sẽ tăng cao. Đây là lý do khiến HoREA kiến nghị giữ nguyên thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021.
Một số chuyên gia cho hay, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu tính thuế VAT thì người mua nhà sẽ phải gánh nhiều loại thuế phí như thuế VAT tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác.
Đồng thời, Hiệp hội cũng nhận thấy có nhiều điểm cần làm rõ với khoản chi không được trừ và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Một là, dự án Luật có nêu về lĩnh vực sản xuất trong đó có một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng và các lĩnh vực còn lại, nhưng lại chưa xác định bất động sản nằm trong lĩnh vực nào.
Hai là, lĩnh vực sản xuất áp dụng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu; các lĩnh vực còn lại áp dụng tỷ lệ 4 lần vốn chủ sở hữu, trong khi lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: Không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.
HoREA nhận định, so với tỷ lệ áp dụng cho tổ chức tín dụng, tỷ lệ áp dụng cho các lĩnh vực khác thấp, do đó cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo công bằng. Luật Kinh doanh bất động sản có quy định, đối với các dự án nhà ở từ 20 ha trở lên, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% vốn đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư có thể phải vay tới 85% tương đương với 5,7 lần vốn chủ sở hữu.
Chính vì thế, Hiệp hội kiến nghị xếp bất động sản vào lĩnh vực sản xuất và đề nghị lĩnh vực sản xuất áp dụng tỷ lệ 6 lần vốn chủ sở hữu (6:1), các lĩnh vực còn lại áp dụng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1).
(Pháp luật Tp.HCM Online)