Đây là một trong những nội dung được ghi nhận tại hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 ngành Xây dựng.
Các địa phương cần vốn để phát triển các dự án nhà ở xã hội
Tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng Thanh Hóa trình bày rằng, Thanh Hóa có nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH), người mua nhà đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chưa có kinh phí để giải ngân, do vậy đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ sớm nguồn kinh phí để các đối tượng chính sách được vay.
Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cũng cho rằng, chính sách phát triển NƠXH chưa hấp dẫn chủ đầu tư, dẫn đến kết quả đạt được chưa được nhiều. Thực tế, các chủ đầu tư không chịu đầu tư NƠXH cho thuê mà chỉ đầu tư NƠXH để bán.
Trước những kiến nghị đến từ rất nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, nhu cầu về NƠXH rất cao nhưng nguồn cung còn thiếu do vậy thời gian tới, vẫn tập trung phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân trong KCN, với quan điểm đổi mới là DN và địa phương cùng tham gia đầu tư NƠXH đồng bộ các công trình nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, khu khám bệnh ban đầu cho người dân...
Bộ trưởng đề nghị các địa phương quản lý, phê duyệt các dự án NƠXH chặt, không đồng ý cho bán nốt quỹ nhà NƠXH cho thuê. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu thêm về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phân khúc cho thuê. Về nguồn vốn cho phát triển NƠXH, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc góp phần phát triển NƠXH. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính quan tâm, chủ động cân đối ngân sách trung hạn cho NƠXH, có quỹ tín dụng lâu dài thay thế thay gói 30 nghìn tỷ đồng, trong đó Nhà nước cấp bù chi phí lãi suất theo từng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng cho vay đối với NƠXH.
(Báo Xây dựng Online)