Trên địa bàn Tp.HCM, nhiều chung cư đã rất cũ không biết sập lúc nào nhưng việc di dời dân vẫn chưa thể thực hiện do thỏa thuận quyền lợi và bồi thường vẫn chưa thỏa đáng.
Sợ không đủ tiền mua nhà mới
Tại trung tâm Tp.HCM, chung cư 727 Trần Hưng Đạo 13 tầng quy mô 530 căn hộ được xây dựng trước năm 1975 hiện đang sập sệ, có nguy cơ sập bất kỳ lúc nào. Tại khu chung cư này, tầng trệt bị bỏ hoang, cầu thang gỉ sét, gắn nhiều biển báo nguy hiểm, điện nước chập chờn, kim tiêm dân nghiện vứt đầy hành lang, mùi xú uế bốc lên… Dù điều kiện sống đã rất tồi tàn nhưng chung cư 727 vẫn còn 10 hộ bám trụ sống lại. Đây đều là những gia đình thuộc diện nghèo. Các hộ dân còn sống lại đây chia sẻ, không ai muốn sống phập phồng, bất an nhưng do giá bồi thường quá thấp, chỉ đủ ra ngoại ô mua đất làm nhà.
Tại Tp.HCM cũng còn rất nhiều chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Đó là những chung cư xây dựng trước năm 1975, cơ sở hạ tầng đã hư hỏng, sập sệ. Tuy vậy, hàng chục nghìn con người trong nhiều năm qua vẫn đang sống trong điều kiện đáng lo ngại như vậy.
Nhiều chung cư đang chờ sập nhưng giải pháp di dời vẫn còn..."tắc"
Giá bồi thường chưa thỏa đáng
Tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố mới đây,
Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM đã bày tỏ, giá bồi thường chính là khó khăn lớn nhất hiện. Nếu chấp thuận giá bồi thường cao như vậy là không công bằng với các hộ đã di dời trước đó. Thêm vào đó, sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, sự e ngại đụng chạm đến quyền lợi người dân cũng là một rào cản.
Người dân sống tại các khu chung cư cũ đó phần lớn có thu nhập thấp, giá trị sử dụng còn lại của các căn hộ là nhỏ, song tiền bồi thường lại chưa đủ để người dân mua các căn hộ khác tốt hơn nên việc không đồng ý bồi thường là dễ hiểu, ông Phan Trường Sơn – phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, khi đầu tư cải tạo và xây mới chung cư cũ, các doanh nghiệp khá “ngại” công đoạn trực tiếp gặp gỡ, thương lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân.
Ông Nghĩa cũng cho biết, doanh nghiệp bị ràng buộc rất nhiều về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia các dự án xây mới chung cư trong khi các ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước lại chưa đủ hấp dẫn. Dưới cương vị doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, với số tiền dự tính đầu tư vào những dự án như vậy, doanh nghiệp thà chọn một khu đất ở ngoại thành để tự mình làm chủ, tự mình quyết toán lỗ lời còn hơn lựa chọn cải tạo hay xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Có nên phân cấp xử lý cho chính quyền quận, huyện?
Sở Xây dựng Tp.HCM đề nghị phân cấp, ủy quyền việc thẩm định, tháo dỡ các chung cư cũ, lựa chọn nhà đầu tư cho quận, huyện thực hiện. Đã có không ít ý kiến từ lãnh đạo các quận - huyện cho rằng, nếu giao việc như vậy thì cấp quận, huyện sẽ không thể làm nổi do không có chuyên môn.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Chủ tịch UBND quận 10 - cho rằng, khi xây chung cư mới thì số tầng phải tăng gấp 3 do còn có nhiều tiện ích như bãi gửi xe, nơi sinh hoạt cộng đồng và các dịch vụ khác. Như vậy, hệ số sử dụng đất tăng lên rất nhiều, đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ các chỉ số quy hoạch nếu tái định cư tại chỗ. Điều này một quận không thể tự cân đối được.
(Lao động Online)