Kinh nghiệm mua bán BĐS

Với vốn 4,5 tỷ đồng có nên đầu tư shophouse?

27/11/2015 - 07:47

Hỏi: Hiện vợ chồng tôi có 4,5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, chúng tôi muốn tìm cơ hội tăng trưởng dòng vốn nhanh, song lại băn khoăn lựa chọn giữa kinh doanh nhượng quyền cửa hàng F&B hay đầu tư shophouse. Rất mong được các chuyên gia tư vấn giúp.

Chân thành cảm ơn!

Thanh Thúy (36 tuổi), Phú Nhuận, Tp.HCM.

Chuyên gia tư vấn:

Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) ông Huỳnh Phước Nghĩa tư vấn trường hợp của bạn Thanh Thúy như sau:

Với 4,5 tỷ đồng vốn có sẵn khá phù hợp với cả 2 kênh mà bạn đang cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, trước khi "chọn mặt gửi vàng", bạn cần giải mã các thông số cơ bản của từng lĩnh vực.

Trước hết là đối với việc kinh doanh nhượng quyền ngành F&B, chọn kênh này bạn sẽ phải chấp nhận mất rất nhiều công sức, thời gian để vận hành, quản lý cửa hàng, công việc này có độ phức tạp cao. Kinh nghiệm cho thấy, ngành này đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn được thương hiệu tốt, có sự am hiểu chuyên sâu về đặc thù của chuỗi dịch vụ, có được mặt bằng thuận lợi và phải tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm,... có vậy mới mong 'nhập môn'.

Hiện có vô vàn các thương hiệu F&B từ thức uống đến thức ăn nhiều chủng loại, vì thế bạn phải sàng lọc cá thương hiệu vừa đẳng cấp vừa thời thượng, phổ biến lại mới mẻ, nhất là tránh các mặt hàng đang bão hòa trên thị trường mới đủ sức cạnh tranh.

Thuận lợi khi chọn kênh đầu tư này là, kinh doanh theo hình thức nhượng quyền đã có sẵn công thức, mô hình để áp dụng, biên lợi nhuận khá dày, hiện dao động ở khoảng lãi 25-40%, dễ thành công. Thế nhưng, nhà đầu tư phải mất từ 3-4 năm mới hoàn vốn và khoảng từ 5-7 năm mới có lãi ròng. Để tránh được áp lực tăng giá và đầu tư an toàn, bạn phải ký hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn từ 5-7 năm.

đầu tư shophouse
Kênh đầu tư shophouse đang được giới kinh doanh đặc biệt quan tâm.
(Nguồn ảnh: H.T)

Với số vốn 4,5 tỷ đồng bạn hoàn toàn có thể đầu tư shophouse (căn hộ thương mại tầng trệt của các khu chung cư) theo hai hướng: Một là cho thuê căn shop này, bạn sẽ không phải tốn thêm bất cứ chi phí nào và cũng không phải quản lý suất đầu tư, mỗi năm lợi tức là 8-12%. Hai là, nhà đầu tư tự kinh doanh trên mặt bằng của mình với biên lợi nhuận từ 15-25% tùy vào từng ngành nghề.

Khi nền kinh tế ổn định, trong điều kiện bình thường, lợi nhuận shophouse mang lại chỉ bằng một nửa của đầu tư kinh doanh nhượng quyền F&B. Thực tế cho thấy, nếu ngành ăn uống bắt đúng mạch thị hiếu của người tiêu dùng có thể mang lại khoản lợi nhuận đột biến, từ đó mở ra những cơ hội lớn hơn từ việc sang nhượng lại quyền kinh doanh cho một đối tác mới.

Còn đầu tư shophouse có ưu điểm là công việc nhẹ nhàng, không nhiều thách thức, kênh này phù hợp cho những người không có thời gian. Hơn nữa, sở hữu shophouse có thể kỳ vọng gia tăng giá trị tài sản khi mật độ dân cư của khu vực đông dần, hay ít nhất là cơ hội tăng giá thuê theo chu kỳ đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Tóm lại, tùy vào hoàn cảnh thực tế mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Sau đây là một số nguyên tắc chung để lựa chọn theo mức độ ưu tiên.

Một là, đầu tư theo nhu cầu. Trường hợp cần tích lũy tài sản hay hướng tới mục tiêu dài hạn thì không quá bận tâm về tỷ suất lợi nhuận trước mắt. Trong khi nếu tìm kiếm lợi nhuận cao và đột biến thì chọn kênh có tính thách thức lớn hơn, tuy nhiên đòi hỏi tập trung nguồn lực trong ngắn hạn.

Hai là, đầu tư theo khả năng và sở trường. Theo đó, nhà đầu tư chỉ lựa chọn loại hình kinh doanh mà mình có lợi thế về thị phần, kiến thức, kênh phân phối, mối quan hệ, đam mê, năng khiếu,...

Ba là, đầu tư theo độ tuổi. Khi bạn đã ngoài 40 tuổi thì cần sự ổn định, do đó nên chọn lợi nhuận vừa phải. Còn ở độ tuổi từ 25 đến dưới 40 thì nên dấn thân khởi nghiệp, đặt cược và sẵn sàng phiêu lưu vì có nhiều cơ hội làm lại và thử nghiệm.

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm