Thông tin thị trường

Nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết thu lãi đậm

03/12/2018 - 03:25

Tổng doanh thu của 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vào khoảng 157.000 tỷ đồng, lợi nhuận 22.645 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đến 67,6% là 3 mã cổ phiếu thuộc Vingroup.

Giám đốc Môi giới của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, ông Trương Hiền Phương cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn, tỷ lệ lãi ròng của 9 tháng đầu năm 2018 tăng vọt trên 40%, trong khi con số này trong năm 2017 là khoảng 20%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, so với năm 2017, quy mô thị trường đã sụt giảm, tỷ trọng bất động sản cao cấp chiếm 31% (cuối tháng 10), trong khi căn hộ bình dân chỉ khoảng 20%.

Dự báo, thị trường năm 2019 sẽ có nhiều thách thức. Bởi theo ông Châu, nguồn cung dự án trong năm 2018 đã giảm 15%, giảm mạnh nhất là sản phẩm có giá vừa túi tiền. Lượng hàng tồn kho của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vào khoảng trên 200.000 tỷ đồng.

cổ phiếu bất động sản
Ngày giao dịch 30/11, VN Index dao động mạnh trong sắc đỏ và giảm nhẹ
0,25 điểm, riêng ngành bất động sản giảm 0,13%. Ảnh: Trần Kiên

Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, thị trường bất động sản Việt hiện có quy mô khoảng 25 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ vào cuối năm 2017 đã lên đến gần 20 tỷ USD, tương đương với 15,5% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản.

Ông Tín nhận định: "Cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản".

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, tính đến hiện tại, có 58/65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết báo lãi với tổng doanh thu vào khoảng 157.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 22.645 tỷ đồng. Trong đó, ba mã cổ phiếu họ Vingroup, gồm VIC, VHM và VRE chiếm đến 67,6% tổng lợi nhuận.

Cũng theo khẳng định của chuyên gia Bùi Quang Tín, so với giai đoạn suy giảm 2010-2013, vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017 không ngừng tăng và phần lớn vốn được triển khai vào các dự án.

Tính đến ngày 1/11, có 11/31 doanh nghiệp niêm yết tại sàn HoSE là doanh nghiệp bất động sản, đóng góp cho thị trường 239.321 tỷ đồng vốn hóa (chiếm hơn một nửa tổng giá trị vốn hóa).

Ông Tín nói: "Trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào bất động sản chiếm hơn 1/4 tổng nguồn vốn FDI đăng ký ở Việt Nam. Bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ hai, chỉ sau công nghiệp chế biến - chế tạo".

Theo ông Tín, tổ chức đánh giá FTSE Russell mới đây đã chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biện (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary emerging). Điều này hứa hẹn sẽ thay đổi vị thế của thị trường tài chính Việt Nam, tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn ngoại cũng như cải thiện thanh khoản.

(TTO)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm