Tư vấn luật

Quyền sử dụng đất tại Hà Nội không phụ thuộc hộ khẩu

29/08/2014 - 05:09

. “Tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà. pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì phải ghi tên của cả vợ. và chồng”, luật sư Nông Thị Hồng Hà tư vấn..



 

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN và GĐ): “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”.

Mảnh đất mà bố mẹ bạn mua trong thời kỳ hôn nhân nên khi đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ghi cả tên bố và tên mẹ bạn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), song cũng không phải trong mọi trường hợp GCNQSDĐ đều ghi tên cả vợ và chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng.

 

 

Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN và GĐ đã quy định: “…Nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng… Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng".

Như vậy, nếu bố bạn muốn đứng tên một mình trên GCNQSDĐ thì phải chứng minh quyền sử dụng mảnh đất trên thuộc sở hữu của cá nhân bố bạn và không nhập vào khối tài sản chung vợ chồng.

Theo thông tin bạn nêu thì tiền mua đất là của riêng mẹ bạn, nên chỉ mẹ bạn mới có thể đứng tên một mình trên GCNQSDĐ nếu chứng minh được mảnh đất này được mua bằng tiền riêng của mẹ bạn và bà không nhập mảnh đất vào khối tài sản chung vợ chồng.

Trong trường hợp cả hai người đều không chứng minh được mảnh đất này được mua bằng tiền riêng của mình thì mảnh đất nói trên đương nhiên thuộc sở hữu chung vợ chồng, GCNQSDĐ sẽ mang tên cả bố và mẹ bạn.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải phòng ngừa việc bố bạn tìm cách đứng tên một mình trên GCNQSDĐ thì mẹ bạn cũng nên có văn bản gửi UBND cấp quận, huyện nơi có mảnh đất đề nghị ghi tên cả hai vợ chồng vào GCNQSDĐ.

Tại khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai có quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.

Trong Quy định về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của UBND TP Hà Nội, cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu cá nhân đề nghị cấp GCNQSDĐ phải có hộ khẩu tại Hà Nội nên về nguyên tắc, cá nhân không có hộ khẩu tại Hà Nội vẫn có thể được cấp GCNQSDĐ.

Như vậy, mẹ bạn mặc dù không có hộ khẩu ở Hà Nội thì vẫn có thể đứng tên trên GCNQSDĐ.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
Số 2 ngõ Thi Sách, phố Thi Sách, Hà Nội

Theo Vnexpress

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Chủ đề được quan tâm