Tư vấn luật

Quy định về đứng tên chung trên tài sản thừa kế

06/12/2017 - 05:08

Bố mẹ tôi có 4 người con, tôi là con trưởng. Năm 2008, bố tôi sang tên sổ đỏ cho em gái tôi gồm cả nhà cửa và đất đai sử dụng. Bố tôi có viết thêm một giấy thỏa thuận rằng cả 4 chị em đều có quyền sử dụng đất và có chữ ký của 3 em tôi (tôi ở xa nên không ký được).

Vì sợ xảy ra tranh chấp sau này nên luật sư cho tôi hỏi, tôi có thể làm lại sổ đỏ đứng tên cả 4 chị em được không? Nếu được thì thủ tục làm như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

(thaongan115@...)

Trả lời:

Theo những thông tin mà bạn cung cấp, căn cứ theo Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005:

Điều 467. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Theo đó, việc tặng cho bất động sản phải lập thành văn bản được chứng thực hoặc công chứng. Và khi bố bạn đã đồng ý sang tên cho em gái bạn thì việc tặng này đã có hiệu lực. Thỏa thuận viết tay sau đó không có chứng thực hoặc công chứng thì không có giá trị pháp lý.

Hiện tại, em gái bạn là người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất", em gái bạn có quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, thừa kế, góp vốn quyền sử dụng đất, tặng cho.

thừa kế nhà đất
Việc tặng cho bất động sản phải được lập thành
văn bản có công chứng, chứng thực

Để 4 chị em cùng đứng tên trên sổ đỏ cần có sự đồng ý của em gái bạn về việc thống nhất sở hữu chung với 3 chị em.

Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định cách thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận.

Cụ thể, khoản 3 điều này quy định:

"Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.

Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi "và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này"; đồng thời tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận được ghi: "Những người khác cùng sử dụng đất (hoặc cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn lại)".

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo

Công ty luật TNHH Đức An

(Cafeland)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm