Bố tôi ở một mình nuôi con, sau nhiều năm bố tôi mới kết hôn với người phụ nữ khác. Đến đầu năm 2007, bố tôi mất và không để lại di chúc. Lúc đó, tôi mới biết trong thời gian chung sống, mẹ kế đã lén lút sang tên toàn bộ tài sản của gia đình nhằm chiếm đoạt. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm gì để đòi lại tài sản của gia đình thuộc về mình. Xin cám ơn.
(Nguyễn Văn Bình)
Trả lời:
|
Nếu người mất để lại di chúc thì tài sản chia theo di chúc |
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, tài sản sẽ được chia theo di chúc nếu người mất có di chúc. Còn nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật.
Với thông tin bạn cung cấp thì bố bạn mất không để lại di chúc, nên theo khoản 1, 2 Điều 651 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thuộc hàng thừa kế thứ hai;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Tất cả những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Nếu bố bạn và người vợ kế kết hôn hợp pháp thì theo quy định trên, bạn và người mẹ kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau.
Lưu ý: Di sản mà bạn và người mẹ kế được hưởng bao gồm phần tài sản riêng của bố bạn trong khối tài sản chung của bố bạn và mẹ đẻ của bạn để lại; phần tài sản của bố bạn trong khối tài sản chung với người khác (nếu có). Bạn có quyền yêu cầu mẹ kế trả lại tài sản của bố bạn. Để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bạn có thể khởi kiện người mẹ kế ra tòa án nhân quận, huyện nếu không được thực hiện trả lại tài sản.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Bản kê khai di sản;
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản…
- Giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh…
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế chết;
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)
(Vnexpress)