Ngày 13/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình đã ký ban hành quy định việc bán, cho thuê và quản lý sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố..
Theo đó, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là hộ gia đình có ít nhất một người hoặc cá nhân (đối với trường hợp là hộ độc thân) là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan, đối tượng đã trả lại nhà công vụ thuộc thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, các đối tượng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: chưa có sở hữu nhà ở và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng có diện tích ở bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng dột nát; phải chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội. Trường hợp đối tượng thuộc lượng vũ trang nhân dân, nếu chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì phải có xác nhận của đơn vị nơi người đó đang công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng về nhà ở.
Đặc biệt, tất cả những đối tượng muốn được mua, thuê, thuê nhà ở xã hội phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên.
Việc lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ thực hiện theo phương pháp chấm điểm. Người có tổng số điểm cao hơn sẽ được ưu tiên giải quyết trước (với thang điểm tối đa là 100).
Trong các tiêu chí chấm điểm của Hà Nội, tiêu chí khó khăn về nhà ở được điểm cao nhất (50), tiêu chí về đối tượng (30), tiêu chí ưu tiên khác được cộng thêm 10 điểm. Một số tiêu chí khác do thành phố quy định cũng được cộng thêm 10 điểm như: bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, giáo sư, nhà giáo nhân dân....
Chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án, tổng số căn hộ bán, cho thuê, thuê mua, thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký tại Sở Xây dựng, trang Web của Sở Xây dựng Hà Nội, đăng tải ít nhất 1 lần tại các báo địa phương để người dân biết, đăng ký cũng như giám sát.
Theo UBND thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ tập trung xây dựng khoảng hơn 15.500 căn hộ tương ứng với khoảng 1,5 triệu m2 để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Vinaconex Xuân Mai đã tiếp nhận gần 1.900 hồ sơ đăng ký mua căn hộ thu nhập thấp tại tòa nhà CT1 - Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Đây được xem như là một trong những dự án tiên phong của chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, theo chủ đầu tư, đến thời điểm này, số đơn đăng ký đã vượt gần 6 lần so với tổng số nguồn cung mà doanh nghiệp này có thể đáp ứng là 328 căn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinaconex Xuân Mai, trong tổng số hồ sơ khách hàng đăng ký có đến gần 50% bị trả lại do không hợp lệ. Theo doanh nghiệp này, nếu đến hạn cuối ngày 25/9/2010 (thời điểm thành phố sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ), khách hàng không hoàn thiện lại hồ sơ sẽ không được được tham gia xét duyệt.
Theo Từ Nguyên
VnEconomy
(Nguồn sưu tầm)